Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Thảo luận về dự thảo bộ luật, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo và cho rằng đây là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về một số vấn đề quy định trong dự thảo bộ luật như: Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (quyền im lặng); quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...
Cụ thể, về quyền im lặng, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “tự do” trình bày lời khai... là quá rộng, có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị quy định theo hướng “người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.
Quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo bộ luật về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trường hợp nào thì ghi âm, trường hợp nào thì ghi hình; quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình để bảo đảm giá trị là nguồn chứng cứ; quy định rõ tài liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh vụ án chứ không chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết, đồng thời bổ sung quy định về việc bảo quản tài liệu ghi âm, ghi hình.
Đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Tối cao đã thống nhất với quan điểm này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung. Bởi vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự khảo sát để giải trình trước Quốc hội về nguồn kinh phí phải trang bị cho việc ghi âm ghi hình.
Về việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, một số ý kiến tán thành với dự thảo bộ luật về việc mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì đây là những lĩnh vực chuyên môn, đặc thù, đòi hỏi cán bộ điều tra phải am hiểu sâu sắc kiến thức chuyên ngành.
K.T (Tổng hợp)