10:06, 04/06/2015

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 4/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 4/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cho rằng, cần sớm triển khai giai đoạn 1 của dự án nhằm giảm quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đồng thời đề nghị Chính phủ cần quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát.


Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nêu rõ: Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không.


Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, phân kỳ đầu tư. Qua rà soát cho thấy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236,39 triệu đô la Mỹ, giảm 2.601 triệu đô la Mỹ so với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã trình Quốc hội do điều chỉnh quy mô, phạm vi thu hồi đất, đền bù và tái định cư; phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu chỉ đầu tư 01 đường cất hạ cánh độc lập giai đoạn 1 thay vì 02 đường cất hạ cánh; Không đưa vào Dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác...
 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến sáng 6/4. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến sáng 4/6. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Thẩm tra về dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu phương án mở rộng, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất để kết hợp cùng khai thác hoặc chuyển hoạt động quân sự tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sang sân bay quân sự Biên Hòa để dành toàn bộ quỹ đất tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho mục đích khai thác hàng không dân dụng, song các phương án này không hợp lý.


Đối với phương án mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm khó khả thi vì: chi phí lớn cho thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành; không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa; Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thị TP.HCM, xung quanh Cảng hàng không có mật độ dân cư cao, do đó tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và khả năng thiệt hại lớn về người nếu xảy ra tai nạn lúc máy bay hạ, cất cánh... Chính vì những lý do đó, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết và là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Trước nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục và suất đầu tư của dự án cao hơn so với suất đầu tư trung bình của các cảng HKQT các nước trong khu vực, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, ở bước tiền khả thi giai đoạn 1 đã giảm 54.618 tỷ đồng do giảm: quy mô, phạm vi thu hồi đất, đền bù và tái định cư; phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu chỉ đầu tư 1 đường cất hạ cánh độc lập giai đoạn 1 thay vì 2 đường; không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác (426,9 triệu USD)...


Còn về đơn giá, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn giá xây dựng được áp dụng đơn giá của các dự án đã triển khai trong thời gian gần đây tại Việt Nam và các nước trong khu vực như nhà ga hành khách quốc tế T2 (Cảng HKQT Nội Bài), sân bay Manila Ninoy Aquio (Philippines), sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan).


Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề: Bất kì một dự án nào đưa ra thì câu hỏi đầu tiên của người dân là có hiệu quả không, có thất thoát, lãng phí không và có lợi ích nhóm ở đấy không? Cách nhìn ấy có yếu tố thực tế, giúp cho Quốc hội, Chính phủ nhìn nhận nghiêm túc để điều chỉnh lại nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra lực cản cho sự phát triển bền vững.


Theo đại biểu Dương Trung Quốc, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải được đặt ở tầm nhìn lâu dài. Vì hiện nay, các phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất vừa khó khả thi, vừa gây tốn kém và chỉ là tầm nhìn ngắn hạn. Do đó, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị, cần xây dựng dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, càng sớm càng tốt vì hiện nay tình trạng quá tải ở Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã thấy rất rõ.


Nhất trí cao với chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải xây dựng sớm bởi nếu không sẽ trở tay không kịp vì sự quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.


Cũng đồng tình với chủ trương xây dựng dự án này, song các đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ quan tâm đến chất lượng, tiến độ để phát huy vai trò, hiệu quả kinh tế nhằm đầu tư các giai đoạn tiếp theo; tiết kiệm tránh lãng phí.


Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)./.


Theo Báo điện tử ĐCSVN