10:06, 15/06/2015

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, sáng 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, sáng 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đa số đại biểu đồng tình với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng và cho rằng quy định như vậy là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp.


Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 491 điều, trong đó giữ nguyên 176 điều, sửa đổi 239 điều, bổ sung mới 76 điều và bãi bỏ 07 điều so với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.


Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết. Việc sửa đổi phải đảm bảo khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các loại án dân sự hiện nay ở nước ta.


Ý kiến trái chiều về quy định Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự


Góp ý về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo về việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật áp dụng, đồng thời cho rằng, quy định như vậy là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền Tư pháp. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì đối với những vụ việc đơn giản Tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, áp dụng nguyên tắc chung, nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án.


Đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ý kiến: việc quy định như vậy cũng đồng nghĩa khắc phục được nhiều bất cập trong xét xử hiện nay. Đồng thời quy định trên cũng giao cho thẩm phán xét xử những vụ khó khăn và đòi hỏi năng lực cao của thẩm phán, phù hợp với cải cách tư pháp hiện nay, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ công lý, không thể thấy khó mà không làm. Điều này cũng mở đường cho việc xét xử các án lệ sau này.
 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Đại biểu Lê Dân Khiết (An Giang), cũng đồng tình với quy định này nhưng cho rằng cần có các quy định cụ thể vì chung chung sẽ khó áp dụng, trong khi án lệ ở ta vẫn đang trong quá trình xây dựng.


Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng, quy định này không phù hợp, thiếu tính khả thi vì khi tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng.


Theo Đại biểu Phạm Xuân Thường, hiện nay chúng ta vẫn đang xây dựng án lệ nên chưa có căn cứ để xét xử. Mặt khác, nếu có án lệ thì cũng là dựa trên các điều luật để làm khuôn mẫu nhằm giúp tòa án xét xử khi có tranh chấp. Bên cạnh đó, phong tục tập quán ở nước ta đa dạng, tranh chấp khác nhau và nhiều tranh chấp không phù hợp quy định pháp luật nhưng vẫn được các bên tự nguyện thực hiện. Do vậy, nếu quy định như trên sẽ gây ra hệ quả là nếu tranh chấp được đưa ra tòa và phán quyết có thể trái với phong tục đó. Thậm chí, nếu cứ đưa ra tòa án có thể làm bất ổn hơn các tranh chấp, thậm chí tòa phán quyết xong cũng khó thi hành được.


Làm rõ tranh tụng trong xét xử hay tranh tụng tại phiên tòa


Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cho rằng: việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, do vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cần thiết phải quy định, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tuy nhiên, cần làm rõ tranh tụng trong xét xử hay tranh tụng tại phiên tòa, hình thức tranh tụng, làm rõ vị trí của những người tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, quy định cụ thể, rõ ràng tranh tụng trong tất cả các giai đoạn để bảo đảm việc giải quyết vụ việc khách quan; Đổi mới trình tự, thủ tục tại phiên tòa và quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh, thời hạn giao nộp, việc giao nộp chứng cứ.


Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) nêu ý kiến: Tranh tụng trong xét xử cần hiểu không chỉ là tranh tụng tại phiên tòa mà là quá trình tố tụng để các đương sự trong vụ án thực hiện việc thu thập, trình bày, cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia phiên tòa và các hoạt động tố tụng khác kể từ khi nhận đơn khởi kiện, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận, về đánh giá chứng cứ mà pháp luật áp dụng trong quá trình Tòa án xem xét giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Hay nói cách khác, tranh tụng chính là việc chứng minh bằng việc đưa ra tài liệu chứng cứ, căn cứ pháp lý, đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Viện Kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự


Thảo luận về sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, các đại biểu tán thành với quan điểm Viện Kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự) mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp.


Theo Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), vai trò của Viện Kiểm sát từ trước đến nay vẫn quy định là cơ quan tố tụng và nếu không tham gia thì làm sao có thể bảo vệ được người yếu thế. Các tranh chấp dân sự là phức tạp nên Viện Kiểm sát tham gia là cần thiết vì "nghe nhiều người nói càng tốt, nói xuôi ngược để tiếp thu, chứ không phải sợ phát biểu là ảnh hưởng đến phiên xét xử”.


Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN