03:06, 09/06/2015

Quốc hội quyết định lùi thời hạn trình dự án Luật Biểu tình sang năm 2016

Sáng 9/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, với 427/437 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 86,26% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Sáng 9/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, với 427/437 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 86,26% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

 

 Quốc hội làm việc tại hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)
Quốc hội làm việc tại hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)


Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban pháp Phan Trung Lý cho biết: Đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị xem xét, sớm thông qua các dự án Luật Biểu tình, Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.


Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Chương trình đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; các dự án Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).


Căn cứ vào tình hình chuẩn bị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho giữ thời gian trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 10 và đồng ý với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian cho ý kiến dự án Luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016). Do đây là các dự án luật quan trọng nên để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho được đưa vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII các dự án: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Án phí, lệ phí tại Tòa án, Luật Thừa phát lại, Luật Hành chính công, Luật sửa đổi Điều 103 và Điều 104 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phát triển công nghiệp phụ trợ, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Viên chức (sửa đổi).


Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 24/4/2015, Chính phủ có Tờ trình số 181/TTr-CP chính thức đề nghị không đưa vào Chương trình năm 2016. Về vấn đề án phí, lệ phí tại Tòa án, đề nghị không ban hành một luật riêng mà thu hút vào nội dung dự án Luật Phí, lệ phí trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 này. Về dự án Luật Thừa phát lại, theo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại thì việc thí điểm sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2015, nên việc đưa dự án Luật này vào Chương trình sẽ xem xét sau khi Quốc hội tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.


Về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, năm 2016 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, nên ngoài nhiệm vụ xây dựng pháp luật, còn một khối lượng lớn công việc liên quan đến tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và chuẩn bị, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa mới. Với đặc điểm này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ số lượng các dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ chỉ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 để dành nhiều thời gian hơn cho công tác nhân sự của kỳ họp đầu nhiệm kỳ.


Theo Nghị quyết, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3/2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Pháp lệnh quản lý thị trường.


Bổ sung vào Chương trình năm 2015 các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3/2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Luật Dược (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Pháp lệnh Quản lý thị trường.


Chuyển dự án Luật Khí tượng thủy văn từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10. Lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ từ chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015.


Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 gồm: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, trình Quốc hội thông qua 06 dự án và cho ý kiến dự án Luật Biểu tình.


Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.


Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ trình thông qua 05 dự án luật (Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật Biểu tình; Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản) và cho ý kiến 17 dự án luật./.


Theo Báo điện tử ĐCSVN