Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
Quốc hội làm việc tại Hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Bổ sung nhiều quy định mới
Theo Tờ trình dự án Luật, việc xây dựng Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế nói chung và ngành giao thông vận tải, ngành Hàng hải nói riêng phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới. Tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Các quy định trong Luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ quản lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, trong tổng số 261 Điều của Bộ luật năm 2005, Dự thảo Luật đã bổ sung 108 Điều, sửa đổi 107 Điều, nâng tổng số điều của Dự thảo Luật đến thời điểm hiện tại là 366 Điều.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung chương mới quy định chi tiết nội dung liên quan đến bắt giữ tàu biển như: các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển... trên cơ sở nâng các quy định của Pháp lệnh bắt giữ tàu biển 2008 và các văn bản liên quan thành luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong luật.
Về thuyền viên, dự thảo luật bổ sung nghĩa vụ của thuyền trưởng đối với việc ngăn ngừa việc chuyên chở người, hàng hóa trên tàu bất hợp pháp, vì theo quy định thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu biển. Đồng thời bổ sung một số trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền bộ để đảm bảo quyền lợi cho thuyền viên khi làm việc trên tàu biển Việt Nam và phù hợp với quy định tại Công ước Lao động hàng hải 2006 mà Việt Nam là thành viên.
Bãi bỏ quy định về việc yêu cầu thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có Hộ chiếu thuyền viên nhằm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên...
Về cảng biển, bổ sung quy định về tiêu chí xác định cảng biển nhằm phân định rõ ràng giữa cảng biển và cảng thủy nội địa.
Bổ sung quy định về phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tại cảng biển nhằm công khai, minh bạch một số phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tại cảng biển và để cơ quan quản lý nhà nước quản lý được các phí, lệ phí và giá để phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế...
Dự luật bổ sung quy định về Ban quản lý và khai thác cảng (Điều 142): Quy định Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao và giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức này và việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng lí giải “thực tế vừa qua tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng dư thừa công suất như xảy ra tại khu vực Cái Mép Thị Vải. Đồng thời không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển nhằm khắc phục những tồn tại nói trên”.
Cần nghiên cứu phân cấp hợp lý việc quản lý cảng biển
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Bộ luật Hàng hải Việt Nam và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật.
Ủy ban Pháp luật tán thành việc Chính phủ mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò của giao thông hàng hải đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới; cụ thể hóa một số quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, khắc phục những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành, như quy định về quy hoạch, xây dựng cảng biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải; luật hóa nhiều quy phạm về hàng hải trong văn bản dưới luật đã được thực tế kiểm nghiệm, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải. Những sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Về một số nội dung trong dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định trong Bộ luật về việc đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ theo hướng vừa tạo điều kiện để phát triển đội tàu biển Việt Nam về số lượng, bảo đảm chất lượng vừa tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu tàu phế thải vào Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế và tác động xấu đến môi trường.
Về Ban quản lý và khai thác cảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban này nhất trí quy định Ban quản lý và khai thác cảng như trong dự thảo Bộ luật nhằm thiết lập cơ quan có đủ năng lực, trách nhiệm quản lý cảng biển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cảng biển. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mô hình này, trước hết cần làm rõ về tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng, về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương… Tính chất của Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức kinh tế hay là cơ quan quản lý nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý và khai thác cảng trong mối quan hệ với Cảng vụ hàng hải, Cục hàng hải Việt Nam, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác cảng như hiện nay. Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về mô hình “Chính quyền cảng” hay “Ban quản lý và khai thác cảng” để có cơ sở tổ chức một mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam và không trái với quy định hiện hành về chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Về Cảng vụ hàng hải, Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định về Cảng vụ hàng hải tại Điều 144 dự thảo Bộ luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế tại khu vực cảng hàng hải có nhiều lực lượng cùng hoạt động, bên cạnh Cảng vụ hàng hải còn có Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm ngư, Kiểm dịch… cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ hàng hải; hoạt động của các chủ thể này không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn liên quan đến người nước ngoài. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung để Cảng vụ hàng hải là cơ quan có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp điều phối và quản lý chặt chẽ các hoạt động tại khu vực này./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN