03:06, 02/06/2015

Nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước phải toàn diện

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước cần toàn diện (điều chỉnh cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách), thống nhất, đồng bộ với các luật khác.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước cần toàn diện (điều chỉnh cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách), thống nhất, đồng bộ với các luật khác.


Sáng 2-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) với nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi cần toàn diện (điều chỉnh cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách), thống nhất, đồng bộ với các luật khác; làm rõ phân cấp trong quản lý thu chi, điều tiết ngân sách Trung ương và địa phương; cần có hệ thống cảnh báo về rủi ro tài khóa và năng lực của các địa phương...

Về vay nợ của chính quyền địa phương, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ mức dư nợ tối đa của địa phương,  bổ sung quy định hệ thống cảnh báo cho chính quyền địa phương về rủi ro tài khoá và năng lực của các địa phương vay nợ nhằm tạo chủ động trong thu hút đầu tư.


Chia sẻ vấn đề chi ngân sách địa phương, một số đại biểu cho biết, chi ngân sách địa phương như dự thảo Luật tính thực thi chưa cao, chưa nói đến tư tưởng cục bộ. Theo đó, Quốc hội nên quy định mức bội chi ngân sách Nhà nước, bao gồm Trung ương và địa phương. Còn từng địa phương cụ thể nên giao cho Chính phủ quy định.


Một điểm đáng lưu ý trong phiên thảo luận được nhiều đại biểu kiến nghị đó là cần công khai ngân sác từ khâu dự toán, khâu chấp hành đến khâu quyết toán.


Ngoài ra, đối với các nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, hằng năm quỹ này chịu sự giám sát cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị có nguồn thu quỹ cao, nguồn quỹ lớn diện rộng,… phải báo cáo Quốc hội.


Liên quan đến dự phòng và dự trữ tài chính, có ý  kiến đề nghị cần giảm mức dự phòng ngân sách hằng năm và tăng dự trữ tài chính để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đồng thời quy định rõ về nhiệm vụ chi dự phòng ngân sách, không quy định chung chung.


Trước đó, trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Dự phòng ngân sách là khoản mục cần thiết trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm để đáp ứng nguồn lực cho các trường hợp thiên tai, lũ lụt, thảm họa, dịch bệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.


Để nâng cao chất lượng dự toán ngân sách Nhà nước và theo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định mức dự phòng ngân sách từ 2-4%, thay vì từ 2-5% như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.


Về nhiệm vụ chi dự phòng, nếu liệt kê cụ thể trong Luật thì có khả năng không bao quát, dự liệu được hết các trường hợp phát sinh trong thực tế. Vì vậy, để việc điều hành ngân sách linh hoạt, kịp thời, đề nghị Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật đã trình.


Về dự trữ tài chính, dự thảo Luật mới đã bổ sung quy định tăng thu ngân sách Nhà nước hằng năm sẽ sử dụng một phần để tăng dự trữ tài chính, thể hiện tại Điểm b Khoản 2 Điều 58 của dự thảo Luật mới.


Theo chinhphu.vn