Ngày 26-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bế mạc. Sau hơn 1 tháng làm việc, kỳ họp đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra.
Ngày 26-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII bế mạc. Sau hơn 1 tháng làm việc, kỳ họp đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra. Phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa về một số nội dung tại kỳ họp và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.
- Thưa ông, tại kỳ họp thứ 9, QH đã tiến hành giám sát theo Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015. Xin ông cho biết những nét chính về kết quả giám sát báo cáo tại kỳ họp này?
Tại kỳ họp này, QH nghe Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Báo cáo giám sát nêu rõ, về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, của Hiến pháp, việc phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập. Trong 3 năm qua, cả nước còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. Điều này cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật... Bên cạnh đó, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật, chủ yếu trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm...
Điều đáng nói, một số sai lầm trong việc áp dụng pháp luật đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các trường hợp do có khiếu nại gay gắt, sau đó báo chí vào cuộc, dư luận phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm mới xem xét, xử lý. Nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp bị oan, sai chủ yếu về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng gây nên...
Từ kết quả giám sát và ý kiến tham gia của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt sâu sắc các văn bản pháp luật về công tác tư pháp, Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nghiêm túc chấp hành pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan, sai. Khi đã xác định bị oan thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm đối với người mắc sai phạm cũng như trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan tố tụng đã gây nên oan, sai đối với công dân.
- Được biết, QH cũng đã chất vấn một số thành viên Chính phủ và trưởng các ngành. Qua đó, nhiều vấn đề gai góc mà cử tri kiến nghị, các đại biểu chất vấn được giải đáp thỏa đáng, đáp ứng sự mong đợi và nhận được sự đồng tình của cử tri. Ông nhìn nhận như thế nào về những vấn đề lớn mà Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang giải quyết?
Tại kỳ họp này, các vị ĐBQH đã gửi 12 phiếu chất vấn đến Thủ tướng và 83 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ. Các chất vấn đã và đang được trả lời bằng văn bản gửi đến các vị ĐBQH (theo báo cáo giải trình chất vấn của Chính phủ). Theo tôi, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và của cử tri, nhân dân cả nước được nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Vấn đề về nông nghiệp: Nhiều vị ĐBQH đã nêu khó khăn trong tiêu thụ nông sản làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình tiêu thụ nông sản trên thị trường thế giới chậm được cải thiện, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi tái cơ cấu nông nghiệp nước ta còn chậm, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp với người dân.
Hai là, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA); kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó với các rào cản kỹ thuật; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế; ban hành và triển khai Đề án phát triển xuất khẩu vào các thị trường khu vực đến năm 2020, tầm nhìn 2030; phát triển mạnh hệ thống thông tin thị trường để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Ba là, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020”.
Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
- Về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu phát triển bền vững. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giảm nghèo đến năm 2020 theo hướng toàn diện hơn với chuẩn nghèo đa chiều; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư...
- Về bảo đảm an toàn lao động: Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; kịp thời chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm gây mất an toàn lao động.
- Về giáo dục, y tế: Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nghị quyết của Đảng, QH về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám, chữa bệnh cho người dân, giảm quá tải bệnh viện...
Ngoài ra, Chính phủ đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề được nhiều vị ĐBQH và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm; báo cáo về tình hình Biển Đông và chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
- Người dân đang trông chờ những đột phá trong các chính sách và đầu tư để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Chính phủ cần có những giải pháp điều hành như thế nào để hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015?
Nhìn chung, ĐBQH đồng tình với nhận định tình hình kinh tế - xã hội của những tháng đầu năm 2015 có xu hướng phục hồi, thể hiện ở việc các chỉ tiêu cơ bản đều đạt trên hầu hết các lĩnh vực. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015, từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các nghị quyết của Đảng, QH và Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, sớm hội nhập kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
- Xin ông cho biết, những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp này?
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa có 100% đại biểu dự họp. Các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành có liên quan và các báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, dự án luật, nghị quyết của QH.
Đại biểu đã tham gia phát biểu sôi nổi tại các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ; trực tiếp gửi gắm các kiến nghị của cử tri Khánh Hòa. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã sắp xếp làm việc với một số bộ, ngành Trung ương để giải quyết công việc của tỉnh. Tại các buổi làm việc, Đoàn đã báo cáo một số tình hình hoạt động của tỉnh trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Qua các buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đánh giá cao sự cố gắng của tỉnh và sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp chỉ đạo.
Nhìn chung, tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện tốt chương trình và kế hoạch đề ra. Các ĐBQH tỉnh đã kịp thời phản ảnh những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến QH, Chính phủ và các bộ, ngành. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như những vấn đề bức xúc của tỉnh được QH, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các ĐBQH của tỉnh tại kỳ họp này.
- Xin cảm ơn ông!
HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)