Sáng 12/6, tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân "đăng đàn" trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Sáng 12/6, tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 12/6. Ảnh: TTXVN |
Thị trường công nghệ thiếu định chế trung gian
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay nước ta chưa có thị trường khoa học công nghệ (KHCN), phải chăng do cơ chế phân bổ đề tài, kinh phí KHCN là một trong những nguyên nhân khiến thị trường KHCN chậm ra đời? Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì trong vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của ĐB Thúy, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thị trường KHCN là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi thị trường vốn, bất động sản, thị trường tiền tệ, lao động… đã được hình thành và phát triển trong 20 năm qua thì thị trường KHCN cho đến sau năm 2000 mới bắt đầu xây dựng, hình thành.
Trong thị trường KHCN có 4 yếu tố nhưng mới chỉ có 2 yếu tố được quan tâm, đó là nguồn cung (sản phẩm của các viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức cá nhân...) và nguồn cầu (hệ thống doanh nghiệp) KHCN. 2 yếu tố còn lại chưa quan tâm một cách thỏa đáng là các định chế trung gian và môi trường pháp lý của thị trường KHCN.
Theo Bộ trưởng, những năm gần đây, Bộ KHCN hết sức chú ý đến thể chế pháp lý cho thị trường KHCN thông qua việc xây dựng các đạo luật trình quốc hội. Cho đến nay, về cơ bản, môi trường pháp lý cho KHCN đã được hoàn thiện, chỉ còn yếu tố các định chế trung gian là tồn tại nhiều yếu kém, vướng mắc, khiến nhiều kết quả KHCN không đến được với sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, các nhà KH không tìm được địa chỉ ứng dụng của mình, còn các doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn KHCN nhập khẩu từ nước ngoài.
Để giải quyết tốt vấn đề này, Bộ KHCN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định mới về thúc đẩy thị trường KHCN và có một chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ. Từ đó, Bộ KHCN sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để sớm có thể thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ hỗ trợ cho nguồn cung và nguồn cầu.
Còn nhiều đề tài “xếp ngăn kéo”
Liên quan đến vấn đề chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho KHCN và tình trạng nhiều đề tài KH còn “xếp ngăn kéo” không sử dụng được, ĐB Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) có đặt câu hỏi: Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và đến bao giờ tình trạng này mới được giải quyết ?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Hàng năm, chi cho khoa học công nghệ không phải ở mức 1.300 tỷ mà khoảng 3.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cũng thừa nhận tồn tại “đề tài xếp ngăn kéo” ở những loại đề tài nghiên cứu cơ bản và đề tài ứng dụng. Đề tài nghiên cứu cơ bản phải "xếp ngăn kéo" do nó đi trước thời đại, phải chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một thời điểm nhất định mới có thể ứng dụng được, còn đề tài nghiên cứu ứng dụng thì phải có điều kiện về đầu tư.
Bộ trưởng lý giải, rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư vì NSNN chỉ hỗ trợ cho nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và trở thành sản phẩm được thương mại hóa vì có sự đầu tư từ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, DN nước ta hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu phải chờ có hội hoặc có một Tập đoàn lớn đầu tư.
“Bởi vậy, từ nay trở đi, các đề tài phải được đặt hàng, không thể nghiên cứu theo ý thích. Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu xem có đi vào thực tiễn được không mới cho phép đơn vị đặt hàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng nghiêm Luật KHCN năm 2013 thì điều này sẽ không còn xảy ra”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thùy Trang, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đặt câu hỏi: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ cho nhập các giống cây trồng để phát triển. Với tư cách là người đứng đầu ngành KH, Bộ trưởng có đồng tình với chủ trương trên không? Bộ trưởng cho biết cần phải làm gì để thúc đẩy sản xuất giống cây trồng vật nuôi cũng như tăng hàm lượng tri thức KHCN trong sản xuất nông nghiệp?
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam có nhiều giống tốt nhưng thế giới có nhiều nguồn giống tốt hơn. Bộ ủng hộ nhập khẩu giống có năng suất cao để sản phẩm cạnh tranh được với thế giới. "Bên cạnh hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi tìm giống tốt nhập khẩu như bò Nhật Bản, cam không hạt của Mỹ...Việc bảo tồn được nguồn gien bản địa lai tạo nguồn gien nhập khẩu là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng và bảo tồn được gien cây bản địa quý hiếm như cam Vinh, cây trái Nam Bộ", Bộ trưởng nói./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN