Trước và sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trước và sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri Khánh Hòa cũng như cử tri cả nước đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có văn bản trả lời.
Đoàn ĐBQH tỉnh xin trích một số nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Khánh Hòa của các bộ, ngành Trung ương, về một số vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như sau:
1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phải có quy hoạch sản xuất nông nghiệp sát với điều kiện thực tế của nước ta đồng thời tập trung nghiên cứu, đầu tư nghiên cứu các công nghệ hiện đại về giống, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến hiện đại nhằm tăng năng suất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, nâng cao chất lượng nông phẩm để góp phần cải thiện đời sống người nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:
Thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 124 ngày 2-2-2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn các vùng và các vùng Kinh tế trọng điểm (vùng đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, vùng Hà Nội, vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long…). Quy hoạch được xác định là giải pháp đầu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành, vì vậy bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, quy hoạch các ngành hàng, sản phẩm chính: lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, rau, hoa, quả, thủy sản, lâm nghiệp… trong phương án quy hoạch đã xác định rõ những vùng sản xuất tập trung, những sản phẩm, ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền và nhu cầu thị trường; chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông sản hàng hóa sát với điều kiện cụ thể của địa bàn.
Đồng thời, đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các giống cây trồng vật nuôi, như: Quyết định số 2194 ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Quyết định số 68/2013 ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 1895 ngày 17-12-2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nghị định số 36/2014 ngày 29-4-2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra, Nghị định số 67/2014 ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 210/2013 ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đặt biệt ưu đãi doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản…
Có thể nói, công tác quy hoạch sản xuất đã được quan tâm thực hiện, theo sát với thực tiễn sản xuất, phù hợp với yêu cầu quản lý và thị trường tiêu thụ; hệ thống chính sách phát triển sản xuất, trong đó có chính sách về đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất giống, chế biến, nuôi trồng thủy sản… đã được xây dựng khá toàn diện và đồng bộ, có tác động tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả của sản xuất, góp phần cải thiện đời sống của nông dân.
Để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa đề nông dân phát triển sản xuất, hạn chế những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành và ban hành mới các chính sách phù hợp.
2. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với việc thực hiện các chế độ đối với nạn nhân chất độc màu da cam vì hiện nay hồ sơ, trình tự thực hiện chế độ này còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân.
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời:
Năm 2014, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tiến hành giám sát “Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-NQUBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng” trong đó có nội dung về thực hiện chế độ đối với nạn nhân chất độc màu da cam. Qua giám sát cho thấy còn nhiều hạn chế như vấn đề hưởng 2 chế độ của thương binh đồng thời là người bị nhiễm chất độc hóa học, một số vướng mắc về việc lập hồ sơ xác nhận người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học bị vô sinh, hồ sơ đối với con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật; quy định thời gian xét duyệt hồ sơ giám định bệnh tật chưa phù hợp với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo; thiếu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế về dị dạng, dị tật bẩm sinh và quy định cụ thể bệnh viện có chức năng xác định trường hợp vô sinh; chưa thống nhất trong hướng dẫn về hồ sơ.
Qua kết quả giám sát, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã kiến nghị Chính phủ: “Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ưu đãi đối với người có công đạt hiệu quả; hướng dẫn các quy định về hồ sơ, thủ tục cho phù hợp đối với một số vấn đề: Tiêu chí dị dạng, dị tật đối với con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học;…”. Ngày 25-11-2014, Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 45/2014 hướng dẫn khám giám định thương tật đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; Thông tư đã hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, nội dung khám giám định y khoa, phương pháp tổng hợp tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tật đối với người bị thương, thương binh, thương binh loại B và người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16-7-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong thời gian tới, Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó sẽ chú ý tới ý kiến của cử tri nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và tạo điều kiện tốt nhất để người dân được thụ hưởng chính sách đặc biệt này của nhà nước.
3. Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất công nghiệp để tiến tới chủ động, không phụ thuộc vào nước ngoài.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin được trả lời như sau:
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị (từ ngày 31-7-2009) là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; động viên các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Sau 5 năm triển khai, cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm rau quả có tới 58% người tiêu dùng ưa chuộng… Hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có trên 90% là hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dự luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 5-2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “Rất quan tâm” và “Quan tâm” đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tăng 4% so với năm 2010); 54% người tiêu dùng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam” (tăng 16% so với cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11- 2010).
Ngày 11-10-2014, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chủ trì. Hội nghị đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, đồng thời đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động. Trong đó, đề nghị Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban cán sự các Bộ, ngành, Đảng đoàn Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; UBND các tỉnh xây dựng Chương trình hành động lãnh đạo việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động ở cấp mình trong giai đoạn mới.
Song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa sản xuất công nghiệp, tiến tới chủ động, không phụ thuộc vào nước ngoài, chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có nhiều chính sách quan trọng như:
- Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 9028 ngày 8-10-2014 với mục tiêu phát triển các lĩnh vực: linh kiện, phụ tùng, phụ kiện cho các ngành cơ khí, điện tử, dệt may - da giầy, công nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng 45% đến năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu trong nước đối với linh kiện, phụ tùng của các lĩnh vực này;
- Quyết định số 186/2002 ngày 26-12-2002 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam;
- Quyết định số 10/2009 ngày 16-1-2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm;
- Chỉ thị số 494 ngày 20-4-2010; Chỉ thị số 734 ngày 17-5-2011 nhằm tăng cường sử dụng thiết bị vật tư trong nước trong các gói thầu EPC của các dự án công nghiệp;
- Công văn số 797 ngày 17-6-2003; Công văn số 400 ngày 26-3-2004 của Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho một số dự án thủy điện;
- Quyết định số 12/2011 ngày 24-2-2011 và Quyết định số 1438 ngày 26-8-2011 về Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;
- Thông tư số 04/2012 ngày 13-8-2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước đã sản xuất được. Theo đó, để khuyến khích sản xuất trong nước, các mặt hàng trong nước đã sản xuất theo danh mục của Thông tư này sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu và thuế VAT…;
- Hiện nay, các chính sách này đang được triển khai và một số chính sách đã có tác động tốt, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển như: Công văn số 797/CP-CN ngày 17- 6-2003; Công văn số 400/CP-CN ngày 26-3-2004, các doanh nghiệp trong nước đã thiết kế, chế tạo thành công hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, kể cả các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La. Một số lĩnh vực khác cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao như ngành Xe máy đặt tỷ lệ nội địa hóa 90%, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
4. Cử tri kiến nghị, việc khen thưởng Huân chương “Bảo vệ Tổ quốc” cho cán bộ quân đội chỉ xét tặng cho đối tượng cấp Trung đoàn trưởng, Trung đoàn phó hoặc chức danh tương đương được xếp cùng nhóm chức vụ có cùng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, từ 10 năm trở lên. Trong thực tế, nhiều cán bộ quân đội đã trải qua cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc, bị nhiều thương tật và nhiễm chất độc hóa học; nhiều đồng chí còn tham gia chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam… không được khen thưởng. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ khen thưởng có nhiều quy định không phù hợp thực tế như đòi hỏi phải có đầy đủ quyết định, giấy chứng nhận… nhưng những giấy tờ đó qua chiến tranh đã không còn nguyên vẹn. Vì vậy, đề nghị có sự điều chỉnh đối tượng được khen thưởng Huân chương “Bảo vệ Tổ quốc” từ cấp Tiểu đoàn trưởng trở lên và hồ sơ khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Quốc phòng có ý kiến như sau:
Để ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ quân đội qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã và đang thực hiện nhiều chính sách khen thưởng như: Khen thưởng tổng kết trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ; khen thưởng quân nhân, công nhân viên quốc phòng có thành tích làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới, hải đảo xa và làm nhiệm vụ tại Campuchia, Lào, làm nhiệm vụ Quốc tế… Các chính sách này đã góp phần to lớn nhằm kịp thời tôn vinh công trạng đối với các tập thể, các nhân trong từng thành tích cụ thể, góp phần giáo dục truyền thống và là cơ sở cho thực hiện một số chính sách khác trong đó có chính sách với người bị nhiễm chất độc hóa học. Cụ thể:
a. Về đối tượng khen thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc
- Nghị định số 42/2010 ngày 15-4-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 65/2014 ngày 1-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 đã quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn được khen Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (có thành tích quá trình công hiến), như sau:
Huân chương Bảo vệ Tổ quốc “Để tặng, truy tặng cho cá nhân có thành tích trong huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn”.
Đối với Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba phải có: Thời gian phục vụ từ 30 năm trở lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị công tác được giao, đã đảm nhiệm một các chức vụ: Trung đoàn trưởng, trung đoàn phó, hoặc chức danh tương đương được xếp cùng nhóm chức vụ có cùng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, từ 10 năm trở lên.
- Ngày 18-4-2012, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư Liên tịch số 35/2012 quy định các chức danh tương đương để xét khen thưởng đối với cán bộ chỉ huy, quản lý có qua trình cống hiến trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, đã quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc, căn cứ xác định chức danh được xét khen thưởng; nguyên tắc khen thưởng; thẩm quyền trình khen thưởng; quy định các chức danh tương đương; thời gian công tác, thời gian giữ chức vụ; cách tính thời gian giữ chức vụ là cơ sở để các cấp triển khai thực hiện theo quy định của Nhà nước.
b.Về thủ tục, Hồ sơ đề nghị khen thưởng:
Để đảm bảo thực hiện thống nhất, tránh việc khen không đúng đối tượng, tiêu chuẩn hoặc giả mạo, Tổng cục Chính trị đã báo cáo và được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhất trí ban hành Hướng dẫn số 711 ngày 10-6-2009 về việc xét, đề nghị khen thưởng cho đối tượng cán bộ, chỉ huy, quản lý có quá trình cống hiến lâu dài trong Quân đội nhân dân Việt Nam; theo đó, thủ tục, hồ sơ trình khen bao gồm:
- Tờ trình kèm theo danh sách trích ngang cán bộ được đề nghị khen thưởng (lập riêng theo từng hình thức, mức hạng Huân chương).
- Bản tóm tắt quá trình công tác.
- Các giấy tờ liên quan của cá nhân chứng minh quá trình công tác: Bản sao quyết định bổ nhiệm chức vụ cán bộ, hệ số phụ cấp chức vụ… (nếu không có quyết định bổ nhiệm chức vụ, nhóm chức vụ, hệ số phụ cấp chức vụ… thì có bản sao lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên). Nếu là cán bộ lão thành cách mạng hoặc cán bộ tiền khởi nghĩa phải có bản sao quyết định công nhận lão thành cách mạng hoặc tiền khởi nghĩa do cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Như vậy, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định của Chính phủ về việc khen thưởng các loại hình thành tích, bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn và thủ tục hồ sơ theo quy định.
Bộ Quốc phòng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri về những vấn đề thuộc lĩnh vực liên quan đến Bộ Quốc phòng.
5. “Đề nghị chuyển Pháp lệnh Công an xã thành Luật Công an xã nhằm khẳng định địa vị pháp lý của Công an xã, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng này trong tổ chức và hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho Công an viên và qua đó, góp phần tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở các địa phương”.
Về vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời như sau:
Thực hiện Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua, lực lượng Công an xã đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; chủ động nắm tình hình, tiếp nhận hàng chục nghìn tin báo, tố giác liên quan đến an ninh, trật tự, phân loại, xác minh, xử lý hoặc báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền; trực tiếp giải quyết trên 80% những vấn đề về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn xã; tổ chức giáo dục, cảm hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Công an xã cho thấy có một số nội dung không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cấp cơ sở trong tình hình mới, như: số lượng Công an xã còn thiếu, đội ngũ Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã không ổn định, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp, trang bị lực lượng Công an xã nhiều địa phương chưa bảo đảm. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2014 thì “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an xã do luật quy định”. Vì vậy, việc xây dựng Luật Công an xã để điều chỉnh toàn diện về tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an xã là cần thiết.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tổ chức Tổng kết 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã để đánh giá toàn diện các mặt công tác của lực lượng Công an xã; trên cơ sở đó sẽ kiến nghị với Quốc hội đưa Luật Công an xã vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn để đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn khu vực nông thôn trong tình hình mới.
Bộ Công an xin cảm ơn sự quan tâm của cử tri.