Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phí, lệ phí và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phí, lệ phí và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phí, lệ phí, đại biểu Phương Hữu Việt (Bình Dương), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, do đó, mục tiêu của dự án luật là rà soát lại các loại phí, lệ phí và xác định nghĩa vụ đóng góp của dân một cách phù hợp, tránh ban hành tràn lan các loại phí, lệ phí.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đỗ Thoa) |
Về việc chuyển một số loại phí, lệ phí sang cơ chế giá, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, điều này phù hợp. Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân thì cần cân nhắc kỹ, nhất là viện phí và học phí. Bởi theo đại biểu Tiên, không bao giờ giá dịch vụ học phí và viện phí của Nhà nước bằng tư nhân nên chúng ta không nên chuyển sang cơ chế giá.
Góp ý về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí, đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, quy định của dự thảo là thu phí, lệ phí phải đảm bảo bù đắp mức chi và có lợi nhuận là chưa hợp lý. Theo đại biểu, đối với những khoản lệ phí mang tính chất dịch vụ công, không phải là kinh doanh, do các cơ quan nhà nước thực hiện thì không nên quy định có lợi nhuận.
Tán thành với việc nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành luật, nhưng nhiều đại biểu cho rằng dự luật còn quá cứng nhắc, thiếu sự phân cấp cho các địa phương, nhất là các đô thị trong việc chủ động thu để điều chỉnh, quản lý.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, điểm tồn tại của pháp lệnh hiện hành là chính quyền địa phương chỉ quyết định mức thu trên danh mục. Tại đô thị có những loại đặc thù mà nông thôn không có. Việc phân quyền cho địa phương quy định phí, lệ phí, nếu không trái luật, thì tại sao không cho, vì điều này gắn với phân quyền của chính quyền địa phương. Còn nếu trái luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hủy. Theo đại biểu, việc cào bằng các loại phí, lệ phí cho tất cả các địa phương là không ổn.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các địa phương có những đặc thù nên luật cũng cần có sự linh hoạt. Chẳng hạn như tại TP.Hồ Chí Minh, có những đường phố trung tâm dễ bị ách tắc. Nếu cho địa phương sự phân cấp thì có thể thu phí cao để hạn chế tình trạng này.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, nhiều đại biểu đồng tình việc đưa chế độ báo cáo tài chính bán niên và hàng năm để trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, điều này đảm bảo thực thi nền kinh tế thị trường minh bạch.
Góp ý với quy định trình độ của kế toán, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng: Thực tế hiện nay, tại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, với quy mô chỉ 10, 20 lao động, nếu quy định kế toán phải từ trình độ đại học trở lên như dự án Luật sẽ rất khó thu hút nhân lực. Quy định này là cần thiết nhưng phải có lộ trình thực hiện.
Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, dự án Luật cần nghiên cứu đưa quy định “cấm lập 2 sổ kế toán trở lên” từ luật hiện hành vào dự án luật sửa đổi. Theo đại biểu, đây là quy định nhằm đảm bảo tính trung thực, minh bạch trong tài chính doanh nghiệp.
Theo chương trình, chiều nay, đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN