06:05, 28/05/2015

Quốc hội nghe trình bày dự án Luật Trưng cầu ý dân

Sáng 28-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân cần được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội.

Sáng 28-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân cần được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội.


Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nêu rõ: Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.


Hiến pháp 2013 quy định về trưng cầu ý dân tại Điều 29, khoản 15 Điều 70, khoản 13 Điều 74, khoản 4 Điều 120, đồng thời quy định về quyền dân chủ trực tiếp tại khoản 1 Điều 2 và Điều 6. Điều 29 Hiến pháp xác định rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
 

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình về dự án Luật Trưng cầu ý dân. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình về dự án Luật Trưng cầu ý dân. (Ảnh: Nam Nguyễn).


Vì vậy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước; góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết hiện có 2 hai loại ý kiến:


Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.


Một số ý kiến khác cho rằng, có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội vẫn quyết định trưng cầu ý dân nhưng chỉ cần tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.


Qua khảo sát, nghiên cứu Luật Trưng cầu ý dân của nhiều nước trên thế giới cho thấy: ở một số nước, việc tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ…), ở một số nước khác thì chỉ tổ chức ở cấp quốc gia (Latvia) và một số nước lại chỉ cho tổ chức ở cấp địa phương (Hoa Kỳ). Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện tại Điều 7 dự thảo.


Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.


Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước (Điều 7) vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…). Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương…


Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân bao gồm 9 chương, 56 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc trưng cầu ý dân; người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân; giám sát trưng cầu ý dân; hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân; kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm.


Theo Báo điện tử ĐCSVN