11:05, 05/05/2015

Chương trình phát triển nguồn nhân lực: Chưa đạt kết quả như mong muốn

Tuy các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả của Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 khó đạt mục tiêu đề ra.

Tuy các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả của Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 khó đạt mục tiêu đề ra.



Kết quả kiểm tra của Đảng đoàn HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 cho thấy, việc xác định mục tiêu, xây dựng giải pháp... để triển khai chương trình đã được thực hiện đồng bộ ở các ngành, địa phương. Tuy nhiên, các mục tiêu của chương trình như: nhân lực công tác đảng, đoàn thể; nhân lực quản lý hành chính, nhân lực thuộc lĩnh vực sự nghiệp, nhân lực thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều khó đạt kế hoạch đề ra.

 

Việc đào tạo nghề cho người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Giang
Việc đào tạo nghề cho người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện vẫn còn nhiều khó khăn.


Cụ thể, đến cuối năm 2014, nhân lực công tác tác đảng, đoàn thể chỉ mới 74,51% có trình độ đại học (mục tiêu là 90%), 60,44% có trình độ trung cấp chính trị (mục tiêu là 90%). Trong khi đó, nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý hành chính có 53,7% cán bộ có trình độ đại học trở lên, có nghiệp vụ hành chính (mục tiêu là 95%); về nhân lực thuộc lĩnh vực sự nghiệp 55,52% viên chức có trình độ đại học (mục tiêu đạt ít nhất 80%); về nhân lực thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tỷ lệ đào tạo công nhân dài hạn (cao đẳng nghề, trung cấp nghề) chỉ đạt 16,9% trong tổng số người đào tạo (mục tiêu là 30%).


Một trong những khó khăn lớn khiến cho các mục tiêu của Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh không đạt được là do chưa bố trí được kinh phí riêng để thực hiện nên công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các đơn vị, địa phương bị động, chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Theo ông Đặng Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với việc phát triển nguồn nhân lực công tác đảng, đoàn thể, quản lý hành chính, sự nghiệp, một số cấp ủy chưa coi trọng đúng mức, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Một số cơ quan, đơn vị tuy có xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhưng không bám sát kế hoạch để tuyển chọn cán bộ đưa đi đào tạo. Tuy nhu cầu đào tạo tại các đơn vị nhiều, nhưng còn hạn chế về số lượng được cử đi đào tạo; số cán bộ, công chức, viên chức mới tuyển dụng tuy đủ tiêu chuẩn về trình độ nhưng còn hạn chế về kinh nghiệm; việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn sau đại học vẫn chưa mạnh dạn do số người chưa đạt trình độ đại học vẫn còn lớn... Trong khi đó, công tác phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được một phần chất lượng đào tạo, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành đào tạo lại trước khi bố trí việc làm cho người lao động; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Không chỉ vậy, công tác tuyển sinh học nghề gặp khó khăn; việc đầu tư trang thiết bị, vật tư cho dạy nghề chưa được chú trọng; việc thu hút giáo viên giỏi vào các trường nghề còn hạn chế...


Để thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu của Chương trình phát triển nguồn nhân lực trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đề ra. Đó là: Tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về đào tạo nhân lực; đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực; chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành; xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề, thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học có trình độ, doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia... tham gia đào tạo nhân lực có tay nghề. Bên cạnh đó, để thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực có tay nghề theo định hướng đề ra, cần phải tập trung huy động các nguồn lực cho đào tạo. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Trên cơ sở định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng, phải xây dựng chính sách cụ thể trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo...


Từ kết quả kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Đoàn kiểm tra đã thống nhất kiến nghị Tỉnh ủy tiếp tục cho phép thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trong thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, cần phải rà soát lại các tiêu chí, chỉ tiêu sao cho phù hợp với điều kiện thực tế; rà soát những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực để tập trung nguồn lực đầu tư...


HẢI LĂNG