Với những người lính biển, hành trình 60 năm kể từ ngày thành lập Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đã đánh dấu biết bao sự kiện, chiến công. Điều đó đã được khắc họa rõ nét trong chương trình giao lưu truyền thống "60 năm hành trình giữ biển" do Quân chủng Hải quân tổ chức tại Quân cảng Cam Ranh vừa qua.
Với những người lính biển, hành trình 60 năm kể từ ngày thành lập Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đã đánh dấu biết bao sự kiện, chiến công. Điều đó đã được khắc họa rõ nét trong chương trình giao lưu truyền thống “60 năm hành trình giữ biển” do Quân chủng Hải quân tổ chức tại Quân cảng Cam Ranh vừa qua.
Chương trình gồm 3 phần với kết cấu chặt chẽ, giúp khán giả dễ dàng hình dung được chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của HQND Việt Nam. Trong mỗi phần, khán giả được trực tiếp nghe các nhân chứng lịch sử kể về việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Qua đó, khẳng định thêm ý chí, sự mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân.
Mở đầu cuộc giao lưu, khán giả được gặp lại cựu chiến binh Phạm Quốc Hồng - người từng là máy trưởng tàu không số HQ 154 (Lữ đoàn 125) giai đoạn 1963 - 1970, Thuyền trưởng tàu HQ 161 từ năm 1972 đến 1975, tham gia đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 của HQND Việt Nam. Ông Hồng cũng chính là người cùng đồng đội đưa Đại tướng Lê Đức Anh từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trên con tàu không số HQ 154 năm 1964. Nhớ về những ngày đầu tham gia lực lượng tàu không số, ông bồi hồi kể: “Ngày ấy, tôi là chiến sĩ cơ điện ở Căn cứ 1 Hải quân. Khi có chủ trương chi viện cho chiến trường miền Nam, tôi đã viết đơn tình nguyện và được chấp nhận. Sau khi được huấn luyện 2 ngày, chúng tôi lên tàu sắt 403 do Việt Nam đóng để chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Chúng tôi được lệnh vào Nam, con tàu đầu tiên ra khơi. Mỗi chuyến đi, tàu chở rất nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và cả cán bộ, chiến sĩ. Tôi đã cùng đồng đội thực hiện rất nhiều chuyến vận tải trên biển...”. Suốt 12 năm gắn bó với con tàu, tuy gặp nhiều hiểm nguy, gian khổ nhưng ông cùng đồng đội đều vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong khoảng thời gian ấy, rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. “Năm 1969, đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển hàng vào Cà Mau.
Năm ấy, đồng đội tôi bị thương rất nhiều, trong đó có một đồng chí bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai...” - ông kể.
Khán giả cũng được xem một số phóng sự ngắn về cuộc đời những người lính gắn bó tuổi thanh xuân trên những con tàu không số. Đó là ông Lê Văn Hòa (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Vợ chồng ông sinh được 7 người con thì có tới 6 người bị di chứng của chất độc da cam. Ông Hòa đã 17 lần tham gia tàu không số, nhưng chỉ có 1 chuyến thành công vào năm 1971, 14 lần tham gia lễ truy điệu sống. Dù cuộc sống hiện tại vô cùng khó khăn, ông vẫn luôn tự hào mình là chiến sĩ của tàu không số huyền thoại.
Thiếu tướng Hoàng Kiền - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, nguyên Tư lệnh Công binh lại chia sẻ với khán giả về quãng thời gian gắn bó với việc xây dựng, gia cố công trình của Hải quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 1989. Ông kể: “Ngày ấy, nước ngọt thiếu thốn, vật liệu phải chở từ đất liền nên việc kiến thiết, xây dựng đảo gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề chuyển vật liệu, chúng tôi đã đặt đóng xuồng chuyền tải và xuồng máy. Mỗi xuồng máy kéo 2 xuồng chuyền tải để chở cho nhanh. Máy móc lớn không thể nào đưa ra thi công được, chúng tôi đã mua các máy thi công nhỏ gọn từ Nhật Bản như: máy cắt sắt, cuốn sắt, máy trộn bê tông... để dễ dàng làm việc”. Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng chính là người có sáng kiến chở đất, giống cây từ đất liền ra đảo. “Ngày ấy, cuộc sống của anh em trên đảo còn khó khăn, tôi đã về bàn với thường vụ đảng ủy, chỉ huy phải đưa đất ra đảo cho bộ đội trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. Mỗi lần ra đảo, đơn vị mang theo khoảng 1 xe ô tô đất kèm theo hạt giống để trồng rau” - ông Kiền nói.
Cùng với những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, khán giả còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc. Và hành trình tái hiện ký ức giữ biển ấy của người lính biển khép lại bằng hình ảnh người lính Hải quân thả hoa đăng tưởng nhớ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong 60 năm qua.
THÀNH NAM