Cụ thể hóa một cách đầy đủ các nội dung mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định về Chính phủ là yêu cầu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra với cơ quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Cụ thể hóa một cách đầy đủ các nội dung mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định về Chính phủ là yêu cầu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra với cơ quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Chiều 20/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận những vấn đề còn những ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua việc rà soát, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ tiếp tục được bổ sung nội dung bảo vệ quyền con người. Cụ thể, bổ sung Điều 18a: “Chính phủ quyết định những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị bổ sung quy định về phân cấp của Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương: “Chính phủ quản lý thống nhất và không phân cấp cho chính quyền địa phương về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tư pháp, tài chính và tôn giáo. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương đối với các lĩnh vực khác phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương; hướng dẫn, kiểm tra chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ được phâp cấp, ủy quyền xác định”.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bước đầu đã phân định thẩm quyền của Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ; vai trò, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ; cụ thể hóa chức năng của Chính phủ về thực hiện quyền hành pháp.
Về chức danh Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, ông Phan Trung Lý cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội đã thể hiện tương đối cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh này với tư cách là thành viên của Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, đứng đầu ngành, lĩnh vực được Quốc hội giao.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị cho bổ sung vào Dự thảo quy định cụ thể về các trường hợp từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Góp ý vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tổ chức hoạt động của Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; nghiên cứu xây dựng bộ máy ở những lĩnh vực chưa có quản lý Nhà nước như phụ nữ chiếm tới gần 50% dân số nhưng không có Bộ Phụ nữ, Gia đình và Trẻ em, lực lượng thanh niên đông đảo nhưng chỉ có tổ chức hội mà không có một bộ quản lý, phát triển đội ngũ này...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung một quy định vào chế độ hoạt động của Chính phủ là Chủ tịch nước có thẩm quyền yêu cầu Chính phủ họp và quyết định thành phần dự họp của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Cho ý kiến về số lượng thứ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình quy định số lượng thứ trưởng ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tối đa là 6; số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ở mỗi bộ, cơ quan ngang Bộ khác tối đa là 4.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý với 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần phải tính toán quy định cụ thể số lượng lãnh đạo của các cấp, ngành như cấp phó tổng cục trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tối đa là 3... Ngoài ra có những ngành, địa phương đặc thù, địa bàn quản lý rộng lớn thì cấp phó có thể được quy định nhiều hơn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quy định cụ thể số lượng cấp phó trong các dự án luật cũng là để thực hiện tinh giản biên chế, vì đơn giản “ít tướng là ít quân”.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng tán thành dự thảo khi không quy định cụ thể số lượng bộ, cơ quan ngang Bộ để đảm bảo tính năng động trong điều hành, quản lý của Chính phủ.
Đồng thời kiến nghị không quy định các cơ quan trực thuộc Chính phủ như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vì không phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Theo chinhphu.vn