Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân và dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật này.
Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để chuẩn bị cho việc báo cáo Quốc hội về dự án Bộ luật này tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một bước dự thảo Bộ luật và dự kiến một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Bộ luật phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên thảo luận sáng 23/12 |
Nhiều vấn đề lớn có 2 phương án
Về hình thức sở hữu, Bộ luật dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định hai phương án về hình thức sở hữu. Theo đó phương án 1 quy định hình thức sở hữu trong Bộ luật dân sự bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Về quyền nhân thân, Bộ luật dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành, tuy nhiên, có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...), đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về vấn đề này có loại ý kiến cho rằng, Bộ luật dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, theo đó, các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong Bộ luật dân sự.
Về chủ thể, Bộ luật dân sự hiện hành quy định chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân (bao gồm cả cơ quan nhà nước), hộ gia đình, tổ hợp tác.
Dự thảo Bộ luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương (tham gia quan hệ dân sự với tư cách là pháp nhân). Vấn đề này cũng đang có hai loại ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần đưa ra các phương án để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên việc lập luận phải thuyết phục, rõ ràng với tinh thần khách quan.
Ngoài ra có ý kiến đề nghị lưu ý quy định các hình thức sở hữu để tránh việc gom các hình thức dẫn dến có sự lẫn lộn giữa chế độ sở hữu và hình thức sở hữu. “Đề nghị quy định hình thức sở hữu Nhà nước, sở hữu chung (có thể bao gồm tập thể), sở hữu tư nhân (không nên dùng sở hữu riêng). Nên tiếp thu luật hiện hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Bộ Luật
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Mục đích nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đặc biệt về các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 15/1/2015 và kết thúc vào ngày 31/3/2015 rơi vào dịp Tết nên khó đảm bảo hiệu quả, do đó cần kéo dài đến 15/4/2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây chỉ là thời hạn quy định còn tinh thần sau mốc thời gian trên vẫn tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến của nhân dân với tinh thần cầu thị, chắt lọc, khách quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, từ kinh nghiệm của các lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các ngành, các cấp, các địa phương để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức điện tử. Việc hướng dẫn cũng cần lưu ý tránh trùng lắp, đồng thời trong quá trình triển khai cần có biện pháp chống lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân để gây rối tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội./.
Theo VOV