09:06, 09/06/2014

Trước Trung Quốc hung hăng, Việt Nam có vũ khí quan trọng là chính nghĩa

Những nhà báo quốc tế vừa thực hiện chuyến đi thực địa đến vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã phản ánh những gì mắt thấy tai nghe.

Những nhà báo quốc tế vừa thực hiện chuyến đi thực địa đến vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã phản ánh những gì mắt thấy tai nghe.


Nhà báo, Tổng Thư ký báo Vietweekly (Mỹ) Etcetera Nguyễn, sau chuyến đi thực tế cùng với gần 40 nhà báo trong nước và quốc tế, đến vùng biển gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, cho biết những cảm nhận sau chuyến đi này như sau:


“Chúng tôi là những nhà báo nước ngoài, cùng đi với tôi có các nhà báo ở Đài CNN (Mỹ), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản)... Trước khi ra giàn khoan, chúng tôi đã nghe được những thông tin, xem được những hình ảnh rất rõ về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.


Tuy nhiên, chúng tôi cần phải có mặt để kiểm chứng những gì đang xảy ra. Trong suốt chuyến đi từ ngày 26 - 31-5 tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam, đoàn nhà báo chúng tôi và cá nhân tôi đã tai nghe, mắt thấy hình ảnh những con tàu hải giám, hải cảnh... của Trung Quốc rượt đuổi một cách rất hung hăng những con tàu Cảnh sát biển của Việt Nam. Đó là hình ảnh không thể sống động hơn, khi nó xảy ra cách chúng tôi chỉ 30 - 50m. Nó cho chúng tôi thấy đây là sự thật hiển nhiên đang diễn ra tại Biển Đông.

 

Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu của Trung Quốc đâm ngày 7-6. (Nguồn: Cục Kiểm ngư Việt Nam)
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu của Trung Quốc đâm ngày 7-6. (Nguồn: Cục Kiểm ngư Việt Nam)


Tôi nghĩ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là một hành động mà cho tới giờ phút này đã được các nước trên thế giới phản ánh trong các diễn đàn quốc tế, điển hình như vừa rồi là Shangri-La, ghi nhận sự hung hăng và xâm lấn của Trung Quốc. Dưới con mắt nhà báo, tôi thấy rằng đây là một việc làm phi lý; báo chí cũng như dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên dường như bên phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái gì gọi là lắng nghe mà ngược lại họ đã biện hộ, họ đã nói những luận điệu ngược lại Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang gây hấn ở Biển Đông.


Khi ra giàn khoan, chúng tôi thấy được thái độ bên phía Trung Quốc như tôi đã nói ban đầu và ngược lại chúng tôi cũng thấy được sự bình tĩnh và rất ôn hòa của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam.


Việc xem thường dư luận, cố tình gây hấn của Trung Quốc đã khiến cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Philippines, Nhật Bản, gần đây có cả khối bên châu Âu và đặc biệt là phía Mỹ, khuyến cáo Trung Quốc nên có sự kìm chế. Philippines đang tiến hành một vụ kiện Trung Quốc. Một số người cho rằng Việt Nam cũng nên theo cách thức của Philippines để kiện Trung Quốc. Chúng tôi cũng được biết rằng chủ tàu cá bị đâm chìm ở Đà Nẵng đang thu thập hồ sơ để kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay tạo dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc, tôi cho rằng đó đều là những biện pháp cần thiết trong lúc này. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam rất sẵn sàng có nhiều biện pháp đối chọi với Trung Quốc.


Việt Nam đang có trong tay vũ khí quan trọng nhất, đó là chính nghĩa. Mỗi khi có nạn xâm lăng, tình yêu dân tộc của người dân Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ...”.


Nhà báo Mỹ gốc Việt Etcetera Nguyễn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng có một số bài bình luận và toàn bộ hành trình chuyến đi trong 5 ngày. Chúng tôi đã sản xuất được chừng 55 video clip, phóng sự để tường thuật chân thực toàn bộ những gì đang xảy ra trên Biển Đông. Ở Mỹ, chúng tôi cũng tổ chức được một số hội luận dành cho các nhân sĩ, người Việt ở hải ngoại để họ tham gia đóng góp ý kiến về sự việc này. Đó là quyền lợi dân tộc của họ”.


Ngày 6-6, hãng tin Mỹ CNN đăng bài viết của nhà báo Euan McKirdy, người tham gia chuyến đi thực tế đến vùng biển Hoàng Sa cùng thời điểm trên, mô tả tình hình thực tế ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng thềm lục địa của Việt Nam, như sau:

“Tuy thuyền chúng tôi ở cách xa, nhưng giàn khoan Hải Dương 981 hiện rõ trước mắt. Khu vực này cũng tập trung hàng chục tàu thuyền, gồm tàu chấp pháp Việt Nam, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu đánh cá của hai bên. Tàu đánh cá Việt Nam treo băng đỏ, ghi thông điệp kêu gọi Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam.


Vài giờ trước khi tàu chở đoàn nhà báo đến khu vực này, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Thuyền trưởng tàu cá bị chìm cho biết tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã giả dạng làm tàu cá và đâm chìm tàu của ông. Phía Trung Quốc tỏ ra hung hăng. Một đoạn video do CNN quay cho thấy cảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng. Các tàu Trung Quốc cũng chủ động đâm tàu Việt Nam… Sáng sớm, chúng tôi nhìn thấy một tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam. Từ xa thì trông bình thường nhưng đến gần mới thấy đó là dòng nước cực mạnh có thể phá vỡ cửa sổ, làm động cơ ngừng hoạt động, gây mất điện và thậm chí dẫn tới hỏa hoạn.


Khi các tàu tiến đến gần nhau, chúng tôi có thể thấy rõ các khẩu súng trên tàu Trung Quốc. Sự hiện diện của vũ khí chỉ ở cách chúng tôi vài chục mét khiến chúng tôi vô cùng lo ngại. Sự hiện diện của Trung Quốc còn có thể thấy rõ ở trên không. Chúng tôi thấy một máy bay tuần tra, thỉnh thoảng bay rất thấp khiến chúng tôi thấy rõ những dòng chữ ghi trên thân máy bay. Hành động thu thập tin tình báo đó khiến những người trên tàu cảm thấy lo ngại”.


L.H (Theo chinhphu.vn)