07:06, 25/06/2014

Trung Quốc tự làm xấu hình ảnh của mình

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) gần đây có bài viết cho biết, hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi do một loạt quyết định ngang ngược, hung hăng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) gần đây có bài viết cho biết, hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi do một loạt quyết định ngang ngược, hung hăng trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Và rằng, Trung Quốc đang coi trọng lợi ích quốc gia (bao gồm việc tranh giành chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng) mà quên mất rằng hình ảnh quốc tế của mình đang xấu đi.


Giải thích cho sự mâu thuẫn giữa chiến dịch đánh bóng hình ảnh quốc gia và lối cư xử hung hăng gần đây của Trung Quốc, PGS chuyên ngành Chính quyền và Hành chính công tại Đại học Macau - Dingding Chen đưa ra 3 khả năng: Thứ nhất là có thể Trung Quốc không thực sự nắm lấy ý tưởng hình ảnh quốc gia hay “quyền lực mềm”. Theo một quan điểm logic thực tế đã và đang thống trị ở Trung Quốc, điều quan trọng nhất trên chính trường quốc tế là sức mạnh vật chất, trong khi sức mạnh mềm chỉ là phần phụ. Vì thế, Trung Quốc chấp nhận thực tế rằng “thà nước khác sợ mình hơn mình được các nước yêu mến”. Nếu đây chính là lý do đứng sau chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây, thì không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Bắc Kinh cảm thấy “ít cần” phải cải thiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.


Thứ hai, có thể Trung Quốc quan tâm đến hình ảnh quốc gia, nhưng họ thiếu kinh nghiệm, hoặc quá vụng về trong việc xây dựng hình ảnh đất nước. Thực tế thì những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tiêu tốn nhiều nguồn lực để xây dựng và thực hiện các chính sách “ngoại giao công chúng” với mục đích nâng cao thể diện và hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên, kết quả thu được không như mong đợi. Điển hình như việc Trung Quốc cũng bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức để đầu tư cho các hạng mục xây dựng, biểu diễn hoành tráng ở kỳ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Rõ ràng Trung Quốc cũng muốn thể hiện một hình ảnh tích cực đối với cộng đồng quốc tế.


Tuy nhiên, những hành động gần đây của họ lại chứng tỏ điều ngược lại. Dường như các quan chức ở Trung Quốc - những người chịu trách nhiệm quảng bá hình ảnh quốc gia, hoặc không có kinh nghiệm, hoặc không phối hợp giữa nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Về lý do này, Dingding Chen dẫn thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn bản về cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 (ngày 8-6) sau hơn 1 tháng đưa giàn khoan vào lãnh thổ của Việt Nam. Điều này khiến cho người ta đặt ra câu hỏi “nếu chính danh, đúng luật thì tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra tuyên bố sớm hơn?”. Chỉ đến khi Trung Quốc bắt đầu cảm thấy bất lợi thì cơ quan ngoại giao của nước này mới lên tiếng đổ lỗi trắng trợn rằng, các tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, nhưng họ lại chẳng đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào, chẳng hạn như video hiện trường. Việc làm vụng về này đã tố cáo ngược ý đồ vu khống của Bắc Kinh.


Thứ ba, chính quyền Bắc Kinh đang xem trọng lợi ích quốc gia hơn hình ảnh quốc gia. Mối quan tâm bậc nhất của họ là “chủ quyền” quốc gia và “toàn vẹn” lãnh thổ. Như tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu năm nay, Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích quốc gia cốt lõi bất chấp hoàn cảnh nào. Từ quan điểm này cho thấy Trung Quốc xem hình ảnh quốc gia chỉ là thứ yếu.


Cũng về chủ đề này, trước đó, trên The Diplomat, trong bài “Tại sao các nước láng giềng chán ghét Trung Quốc?”, Tiến sĩ Yang Hengjun - một học giả  Trung Quốc từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington - cho rằng, người Trung Quốc cần phải suy nghĩ về lý do tại sao “lời nói và hành động” của họ rất đáng sợ đối với các nước khác. Bài báo viết: Cụm từ “Giấc mơ Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình đưa ra trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 3-2013 và mới đây là trong thông điệp đầu năm 2014. Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến hành “công cuộc phục hưng vĩ đại” để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự. Nhưng với những động thái hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc gần đây, như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, xem ra mọi chuyện không như ông Tập Cận Bình nói vì chưa nói đến việc tôn trọng “giấc mơ” riêng của các nước khác. Trung Quốc càng ngày càng vi phạm hay cướp đi các quyền lợi rất căn bản, thiết thực, chính đáng của các nước láng giềng được luật pháp quốc tế hiện hành công nhận. Hơn nữa, chính những hành động của Trung Quốc đã và đang góp phần làm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khu vực. Và nếu những hành động đó vẫn được tiếp tục, khu vực Đông Á sẽ rơi vào đối đầu, xung đột?


Đối với những hành động, việc làm sai trái vi phạm cả luật pháp quốc tế lẫn đạo lý, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh lập nên một “đội quân biết múa bằng mồm” không ngừng “biện minh” cho hành động ngang ngược, hung hăng của chính quyền Trung ương. Nhìn vào dư luận ở Trung Quốc: từ cư dân mạng cho đến Bộ Ngoại giao, tất cả mọi người đang đua nhau nói về bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý),


cho Philippines “một bài học”, làm cho Việt Nam “biết thân, biết phận” hoặc liên kết với Nga để chống Mỹ.
Rất nhiều học giả quốc tế nói rằng quan hệ quốc tế giống như các mối quan hệ giữa con người và con người. Nếu không hiểu điều gì đó, người ta hãy đặt mình vào vị trí của người khác và chịu khó suy nghĩ, sau đó, người ta sẽ hiểu. Nhưng thật “đáng buồn” và “xấu hổ”, một số người Trung Quốc lại không hiểu (hay cố tình không hiểu) điều đó. Theo lối suy nghĩ của họ, một khi đất nước đã trở nên mạnh mẽ, Trung Quốc có thể thu phục lãnh thổ tranh chấp bằng vũ lực và lau sạch những “tủi hổ” trong quá khứ.


Trong mắt của người dân ở nhiều quốc gia khác, cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” thực ra là một Trung Quốc mạnh đang chuẩn bị thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và sẽ bắt nạt các nước yếu hơn, nhỏ hơn.


Có một điều mà người Trung Quốc không thể phủ nhận là rất nhiều các phương tiện truyền thông do Chính phủ kiểm soát đã rõ ràng cho thấy kiểu tư duy: Nếu chúng ta không có thể phục hồi lãnh thổ của Trung Quốc thì tại sao chúng ta có một quân đội?


Bài báo của Tiến sĩ Yang Hengjun kết luận: Tựu trung, những chiến thuật thiển cận khiến Trung Quốc gần như không còn bạn bè trong khu vực. Trong khi đó, trên vũ đài chính trị quốc tế, điều quan trọng nhất là chiến thắng với uy tín, danh dự và sức ảnh hưởng. Nếu cứ theo đường lối như hiện nay, kế hoạch của Trung Quốc sẽ chắc chắn “phá sản” và chỉ còn là hình ảnh đất nước Trung Hoa xấu xí trong mắt cộng đồng thế giới.


H.N (Theo chinhphu.vn)