Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (khóa IX) xác định: Năm 2014 là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, chương trình hoạt động toàn khóa của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (khóa IX) xác định: Năm 2014 là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, chương trình hoạt động toàn khóa của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội. Đây cũng là năm các cấp hội chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ, hướng tới Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam toàn quốc lần thứ X.
Nhiệm vụ tổng quát năm 2014 của toàn Hội là: Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức của người làm báo, coi đây là việc làm thường xuyên, là cơ sở để xây dựng các cấp Hội trong sạch, vững mạnh. Triển khai toàn diện các mặt công tác, bảo đảm các hội viên nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt công tác thông tin báo chí, nghiêm túc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tổ chức tốt các hoạt động thường xuyên như xây dựng tổ chức công tác hội, công tác kiểm tra, công tác nghiệp vụ và các hoạt động khác.
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại lễ thượng cờ tàu ngầm cấp quốc gia tại Vùng 4 Hải quân. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Hội là tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp hội, theo tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây cũng là chủ đề hoạt động xuyên suốt năm 2014 của toàn Hội.
Nhiều vấn đề thuộc về nội dung “Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo” không mới, nhưng tính thời sự, tính thực tiễn của đời sống báo chí đang đặt ra nhiều bức xúc, cũng là vấn đề “nóng” hiện nay đối với người làm báo. Hơn lúc nào hết, lời dạy của Bác Hồ, người sáng lập, người thầy vĩ đại của nền báo chí Cách mạng Việt Nam: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào, lúc này càng cần được nhắc nhở, quán triệt đầy đủ cho mỗi nhà báo.
Thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích đất nước, vì lợi ích nhân dân không chỉ là một trong những quy định cơ bản của đạo đức nghề nghiệp mà còn là một trong những điều luật cơ bản của Luật Báo chí hiện hành. Điều rất cơ bản đó, thiết nghĩ bất cứ nhà báo hội viên nào cũng thuộc, cũng nhớ - là kim chỉ nam hành động mỗi khi tác nghiệp. Thời gian qua, có không ít tin, bài trên một số trang báo đã vi phạm quy định cơ bản này. Việc thông tin sai sự thật, một chiều, thiếu khách quan, thông tin khi nguồn tin chưa được kiểm chứng từ nhiều phía, gây hậu quả xấu cho định hướng dư luận xã hội đúng đắn, gây sự bất bình trong nhân dân, trong xã hội.
Khuynh hướng thương mại hóa báo chí đã nhiều lần được xử lý, nhắc nhở; kiểu làm báo rẻ tiền, khuynh hướng báo lá cải, câu khách giật gân, thậm chí bịa đặt thông tin đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình hình này đã được Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2014, các cơ quan có trách nhiệm phân tích chỉ rõ, nhưng chậm được khắc phục, trong đó có trách nhiệm của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Trách nhiệm của các cấp hội nhà báo Việt Nam là không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho nhà báo hội viên, theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo hội viên. Nhà báo vi phạm các quy định đạo đức nghề nghiệp thì người đó không còn xứng đáng là hội viên, không có chỗ đứng chân trong tổ chức Hội. Từng nhà báo hội viên phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề báo, coi đạo đức nghề nghiệp là lương tâm, trách nhiệm, là danh dự, lòng tự trọng của bản thân người làm báo.
Năm 2014, năm các cấp hội nhà báo Việt Nam, các nhà báo hội viên tổ chức tốt chương trình hành động: Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Biện pháp đồng bộ; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ các giải pháp, biện pháp giữa cấp hội nhà báo với cơ quan báo chí; tính tự giác chấp hành đi đôi với các biện pháp giám sát, quản lý hội viên, chương trình hành động trọng tâm năm 2014 của các cấp hội sẽ hiệu quả và thành công.
HÀ YÊN (Tạp chí Người làm báo)