01:06, 05/06/2014

Thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng nên giao cho Bộ Quốc phòng

Sáng 4-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng nhằm đạt mục tiêu....

Sáng 4-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam. Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật HKDD nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh HKDD, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.


Góp ý về quy định Nhà chức trách hàng không, nhiều đại biểu cho rằng, trong hệ thống pháp luật nước ta đang có những quy định khác nhau về vấn đề này. Cụ thể tại Quyết định số 94 ngày 16-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định “Nhà chức trách hàng không” của Việt Nam là Cục Hàng không Việt Nam. Còn trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản lại xác định là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), có văn bản xác định là Cục Hàng không Việt Nam hoặc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được chỉ định.


Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ GTVT là Nhà chức trách hàng không, vì cho rằng quy định như vậy đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu đặc thù của ngành HKDD. Quy định như vậy thực chất là luật hóa quy định hiện hành tại Quyết định số 94/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng phù hợp với đa số điều ước quốc tế song phương về HKDD giữa Việt Nam với một số nước.


Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng sửa đổi Luật HKDD Việt Nam là cần thiết, nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành hàng không cho phù hợp với các công ước và cam kết quốc tế, cũng như phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, để dự thảo Luật dễ thực hiện và đi vào cuộc sống, các đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ một số khai niệm, từ ngữ; quy định chặt chẽ các điều khoản liên quan tới an ninh hàng không (ANHK), lực lượng kiểm soát ANHK; thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng và thanh tra hàng không... Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là vấn đề ANHK. Nhiều đại biểu cho rằng, trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố, nhất là khủng bố hàng không ngày càng tinh vi thì ANHK cần phải được siết chặt.


Dự thảo Luật quy định “Bộ GTVT quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng’’. Tuy nhiên, đa số đại biểu không tán thành với điều này vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn... Do đó, các đại biểu đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng.


Cũng liên quan tới ANHK, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ tính chất của lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng của cơ quan Nhà nước hay của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị giao cho một doanh nghiệp độc lập thực hiện nhiệm vụ này để tăng cường xã hội hóa trong ngành hàng không. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý đề nghị lực lượng kiểm soát ANHK thuộc quản lý của Bộ GTVT, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xử lý các tình huống, đồng thời lực lượng này cũng là bộ mặt quốc gia nên cần được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện chặt chẽ.


Về quản lý giá hàng không nội địa, đại biểu đề nghị: Quốc hội cân nhắc quy định này để tạo điều kiện có lợi hơn, thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách và người tiêu dùng.


Ngoài các nội dung trên, tại phiên làm việc, các đại biểu còn cho ý kiến về việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; Cảng vụ hàng không; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; đảm bảo hoạt động bay; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh; thanh tra hàng không...


Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 5 dự án luật: Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).


L.H (Tổng hợp)