Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 13/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 13/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Bình phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Giảm các thủ tục không cần thiết cho người dân
Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này của Luật Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, thực tế mới thực hiện được hơn bốn năm, phần lớn các quy định của Luật đang phát huy hiệu quả, phạm vi sửa đổi, bổ sung cần phải bảo đảm đúng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, với tính chất là luật sửa đổi, bổ sung một số điều, dự án Luật chỉ nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, các quy định không phù hợp với thực tiễn; xác định rõ hơn nữa quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là quy định nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay.
Thảo luận về việc xác minh điều kiện thi hành án, các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đồng tình với dự thảo Luật là bỏ các quy định người được thi hành án phải tự mình xác minh tại các cơ quan, thu khoản tiền chi phí xác minh. Như vậy mới giảm bớt được thủ tục và gánh nặng cho người dân.
Góp ý về quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án (khoản thi hành cho công dân) theo hướng Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án.
Về trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự, một số ý kiến tán thành với Tờ trình và dự thảo Luật giao Tòa án nhân dân ra “quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.”
Quyết định này thể hiện quyền lực tư pháp, làm cơ sở cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Quy định này vừa bảo đảm sự gắn kết trách nhiệm của Tòa án nhân dân đối với bản án cũng như quyết định của mình, đồng thời không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức và thẩm quyền.
Các đại biểu đã góp ý về việc truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư
Hầu hết ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và cho rằng có như vậy mới tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư cũng như tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực, đồng thời bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư...
Góp ý cụ thể về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời rà soát các khái niệm khác để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật.
Liên quan đến ngành nghề và địa bàn đầu tư, các đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng quy định của dự thảo Luật còn quá chung chung không rõ địa bàn được ưu đãi đầu tư; ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề bị cấm đầu tư. Những điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật. Do vậy, để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và tạo sự minh bạch trong thực thi, cần quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư cũng như ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong Luật.
Về vấn đề ưu đãi đầu tư, một số ý kiến cho rằng Luật Đầu tư (sửa đổi) không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết về ưu đãi đầu tư, vì vậy, chỉ nên quy định các hình thức ưu đãi như trong dự thảo Luật là phù hợp.
Ngoài ra, các đại biểu đã góp ý vào một số nội dung khác của Luật Đầu tư (sửa đổi) như phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục thông báo đầu tư; hợp đồng đầu tư...
Theo TTXVN