03:06, 18/06/2014

Sẽ có nhiều đổi mới về công tác cán bộ

Nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa...

Nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh là tinh thần xây dựng dự thảo nghị quyết (NQ) về nội dung trên, dự kiến đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa sắp tới.


Một số hạn chế, bất cập


Ngày 7-4-2011, HĐND tỉnh ban hành NQ số 02 quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho CB-CC-VC; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh. Qua 3 năm thực hiện, NQ này đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Để có cơ sở xây dựng NQ mới thay thế NQ 02, vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có đợt giám sát thực hiện NQ này tại một số địa phương và các sở: Nội vụ, Tài chính.


3 năm qua, tổng kinh phí thực hiện NQ số 02 hơn 82,2 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm chi hơn 27,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đơn vị hơn 15,3 tỷ đồng và kinh phí ngân sách cấp gần 12,1 tỷ đồng. Thực hiện chế độ hỗ trợ đào tạo nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn, đến nay, tỉnh đã đưa vào quy hoạch 207 CB-CC-VC, trong đó có 128 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên; đưa vào nguồn 353 học sinh, sinh viên, đến nay có 77 em tốt nghiệp (trong đó có 45 em có việc làm). Kinh phí thực hiện chế độ này gần 5 tỷ đồng.


Tuy nhiên, trên thực tế đã nảy sinh một số hạn chế. Theo ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ, với đối tượng hỗ trợ là học sinh trung học phổ thông, có những em thi tốt nghiệp không đậu, hoặc khi thi vào đại học lại chọn ngành nghề tỉnh không có nhu cầu nên không tuyển dụng được, vì vậy đề xuất thôi hỗ trợ đối với đối tượng này. Đối tượng sinh viên, trước đây không có định hướng rõ ràng ngành nghề thu hút, đưa các em vào quy hoạch nhưng khi các em tốt nghiệp thì không bố trí được công việc, vì thế cần rút kinh nghiệm để có những thay đổi phù hợp. Theo ông Nguyễn Chuyện - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, qua giám sát, thống nhất tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng cần khắc phục những bất cập về quy hoạch cán bộ không đúng ngành nghề, tình trạng đối tượng thuộc diện quy hoạch không trúng tuyển khi thi công chức; đối tượng thu hút còn tràn lan, chưa chọn lọc. Đoàn cũng thống nhất kiến nghị của các địa phương và Sở Tài chính, Sở Nội vụ tăng mức chi hỗ trợ ở các nội dung.


Điều chỉnh đối tượng hỗ trợ, tăng mức chi


Để khắc phục những hạn chế, bất cập của NQ số 02, cần phải có những điều chỉnh phù hợp. Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra dự thảo NQ mới thay thế cho NQ 02 (dự kiến sẽ được xem xét, thảo luận tại kỳ họp HĐND sắp tới). Tinh thần dự thảo là nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho CB-CC-VC; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài. Dự thảo thể hiện đối tượng thụ hưởng chính sách được chọn lọc hơn, ngành nghề được đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế vì đang rất thiếu. So với nội dung NQ số 02, dự thảo NQ mới có nhiều thay đổi, nhất là quy định về đối tượng và mức chi hỗ trợ.

 

3 năm qua đã thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho 11.394 lượt người (trong đó, đào tạo 29 tiến sĩ, 216 thạc sĩ, 34 bác sĩ chuyên khoa II, 105 bác sĩ chuyên khoa I, 90 bác sĩ, 10 dược sĩ) với kinh phí gần 76 tỷ đồng. Đối với chế độ thu hút nhân tài, đã thu hút được 39 trường hợp (gồm: 4 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 13 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi) với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo đó, không đưa đối tượng học sinh các trường trung học phổ thông vào nguồn quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh; đối tượng sinh viên không quy định đại trà mà thu hẹp phạm vi là sinh viên người dân tộc thiểu số học các ngành nghề tỉnh có nhu cầu. Dự thảo không còn đưa đối tượng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi thuộc đối tượng thu hút nhân tài mà chỉ thu hút bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học loại giỏi. Tuy nhiên, tại buổi thẩm tra dự thảo NQ mới đây, đại biểu đã đề nghị nên xem xét lại, vì 3 năm chỉ thu hút được 13 người  tốt nghiệp đại học loại giỏi không phải là nhiều. Với đối tượng này, sắp tới nên quy định tốt nghiệp đại học loại giỏi thuộc ngành nghề tỉnh có nhu cầu… Đối tượng thu hút nhân tài là thạc sĩ, tiến sĩ cũng không áp dụng đại trà mà thu hẹp trong những ngành nghề tỉnh có nhu cầu…


Theo dự thảo NQ, đối tượng thu hút nhân tài là “chuyên gia đầu ngành giỏi” quy định tại NQ 02 điều chỉnh thành “chuyên gia các ngành trọng điểm của tỉnh”. Ngoài thu hút những người có nguyện vọng về công tác tại tỉnh, dự thảo còn bổ sung đối tượng thu hút nhân tài và chế độ hỗ trợ đối với CB-CC-VC là chuyên gia các ngành trọng điểm của tỉnh, được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 30% lương và phụ cấp hiện hưởng từng thời điểm…


Về mức chi hỗ trợ, dự thảo NQ xây dựng nâng mức chi hỗ trợ các nội dung gấp 1,5 lần so với mức chi tại NQ số 02. Lý do là tại thời điểm xây dựng NQ 02, mức lương tối thiểu là 730.000 đồng/người/tháng, hiện nay là 1.150.000 đồng/người/tháng (tăng 57%). UBND tỉnh dự kiến, theo dự thảo NQ được xây dựng, kinh phí thực hiện hàng năm hơn 37,8 tỷ đồng (tăng hơn 10,4 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí của đơn vị gần 23 tỷ đồng và kinh phí ngân sách cấp gần 15 tỷ đồng.


Tại buổi thẩm tra các nội dung trên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị giao UBND tỉnh xác định danh mục ngành nghề tỉnh có nhu thu hút, đào tạo hàng năm; xây dựng các tiêu chí xác định chuyên gia các ngành trọng điểm. Đối với số lượng học sinh, sinh viên đang thực hiện theo NQ 02 vẫn tiếp tục được hỗ trợ, nhưng mức chi sẽ thực hiện theo quy định mới (sau khi NQ mới được ban hành và có hiệu lực)…


K.N