Với 88,35% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Với 88,35% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Luật Đầu tư công gồm 6 Chương, 108 Điều quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, Luật Đầu tư công quy định theo hướng rõ hơn tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công.
Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Bên cạnh đó, Luật đã đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, Luật quy định theo hướng tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.
Ngoài ra, để bảo đảm mục tiêu dự án đã được phê duyệt, nhằm khắc phục tình trạng chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng và phát huy hiệu quả dự án sau khi đầu tư, Luật cũng bổ sung quy định về: bảo đảm chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình sau khi nghiệm thu, bàn giao, dẫn đến chương trình nhanh chóng xuống cấp; bổ sung các quy định về đánh giá kết thúc đầu tư và đánh giá tác động dự án, để làm rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và đặc biệt là các đơn vị tư vấn, như tư vấn đầu tư dự án, tư vấn thiết kế…
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công (từ Điều 97 đến Điều 105), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp vi phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh sửa quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công từ Điều 97 đến Điều 105 của dự thảo Luật. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7, 8, 9, 10), có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí “địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng đối với quốc gia”, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, do tính chất phức tạp và đa dạng của các địa bàn quốc phòng, an ninh, hiện nay các tiêu chí địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật như sau: “Dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh”…
Theo Báo điện tử ĐCSVN