Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 16/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 16/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chiều 16/6, Quốc hội làm việc tại hội trường |
Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 86,35%, số phiếu tán thành.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Việc quy định bảo hiểm y tế bắt buộc; Về trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; Về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Vấn đề thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến...
Đa số đại biểu Quốc hội đều cho ý kiến về sự cần thiết cũng như nội dung sửa Luật bảo hiểm xã hội kỳ này, nhất trí với việc mở rộng đối tượng, áp dụng Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc, vấn đề sửa các chính sách bảo hiểm hưu trí hàng tháng... Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí bổ sung sửa đổi các chế độ bảo hiểm, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mà trong dự thảo luật đã trình…
Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) khẳng định: Bảo hiểm xã hội là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội. Qua 7 năm thi hành Luật bảo hiểm xã hội cho thấy, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn có những tồn tại. Đó là, diện bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp, mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng, một số chính sách bảo hiểm xã hội, kể cả ngắn hạn và dài hạn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, lại có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách bảo hiểm xã hội để trục lợi, làm sai lệch mục tiêu của bảo hiểm xã hội. Công tác quản lí, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội còn nhiều hạn chế, nhất là công tác đầu tư, tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu Hồ Thị Thủy thống nhất với quan điểm và mục tiêu sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội. Theo đó, mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nhằm thực hiện an sinh xã hội theo tinh thần nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và đảm bảo an toàn cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý, nhằm điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng hưởng. Đây là hai mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội chứ không phải sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội là nhằm kéo dài thời gian làm việc và giảm lương hưu.
Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về bổ sung thêm các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có một số nhóm đối tượng đã thực hiện cần được luật hóa, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Hồ Thị Thủy đề nghị dự thảo luật phải quy định chế tài căn cơ kèm theo để tránh tình trạng thực hiện không nghiêm. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vấn đề này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri và cũng là phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến |
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao về quy định mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo, coi đây là giải pháp tốt để tăng quỹ bảo hiểm xã hội và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cử tri Hà Nội nhiều lần kiến nghị quan tâm đối tượng này. Theo Nghị định 92, đối tượng này có khoảng 230 nghìn người với mức phụ cấp nhà nước hỗ trợ bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người. Nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì mỗi năm sẽ chi khoảng 450 tỷ đồng.
Về quy định điều kiện hưởng lương hưu, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động lên 60 với nữ và 62 với nam. Các đại biểu cho rằng, quy định như Dự thảo là vi phạm Bộ Luật Lao động. Việc tăng thời gian làm việc của người lao động như dự thảo là nữ thêm 5 năm, nam thêm 2 năm để bù đắp cho những bất cập trong việc quản lý quỹ bảo hiểm là không công bằng. Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo quỹ, nên có giải pháp mạnh, đảm bảo thu đúng, thu đủ với các đối tượng nợ đọng, chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội, hiện nay số lượng này rất lớn. Bên cạnh đó, cần khắc phục những bất cập trong quản lý quỹ.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: Việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do nhiều nguyên nhân như tỉ lệ tham gia thấp, không thu được bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng; năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh chứ không phải do tuổi lao động thấp. Nếu tuổi nghỉ hưu tăng lên sẽ làm tăng áp lực về việc làm và giảm cơ hội việc làm cho lao động trẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, Dự án luật cần quy định rõ ràng hơn về chức năng kiểm tra, thanh tra của tổ chức bảo hiểm xã hội trong việc đóng bảo hiểm xã hội và trả các chế độ bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành về chính sách bảo hiểm xã hội khi được ủy quyền.
Đại biểu Nguyễn Quang Cường (đoàn Hải Phòng) đề nghị: Để tránh sự so sánh về chế độ ưu đãi, quyền lợi được hưởng giữa nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng người lao động khác, đề nghị đưa nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội đối với bộ máy công quyền vào các Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật nghĩa vụ quân sự. Nếu thực hiện theo phương án này thì trong điều khoản thi hành của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải có quy định về chế độ hưu trí của bộ máy công quyền, trước mắt tạm thời giữ nguyên như Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng nội dung về chế độ bảo hiểm xã hội trong luật sửa đổi các luật này và trình Quốc hội.
Về chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quang Cường đề nghị sửa Khoản 3, Điều 21, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội là: Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm về Luật đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Vì thực tế những năm gần đây cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm không được xử lý mà kiến nghị cấp có thẩm quyền làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Theo đại biểu Nguyễn Quang Cường, từ khi Luật bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực thi hành từ tháng 1 năm 2007 đến nay mặc dù thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có rất nhiều cố gắng nhưng do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, nên tình trạng vi phạm Luật bảo hiểm xã hội như nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 11.000 tỷ đồng nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, an toàn quỹ bảo hiểm xã hội và chính sách an sinh xã hội.
Theo Báo điện tử ĐCSVN