12:06, 15/06/2014

Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
 

Chiều 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường
Chiều 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường


Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Luật tiếp tục khẳng định chính sách bảo hiểm y tế toàn dân; quy định bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc; khuyến khích việc thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.


Luật cũng quy định: Lực lượng công an, quân đội cùng tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, đó là: Người đang tại ngũ trong quân đội, thân nhân của học viên công an, học viên cơ yếu, người đang sinh sống ở xã đảo, huyện đảo; bổ sung nhóm đối tượng được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, đó là: Người mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; người từ 80 tuổi trở lên; bổ sung quy định khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình từ người thứ hai trở lên giảm mức đóng...


Cũng trong chiều 13/6, các đại biểu thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tập trung vào phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời hạn, thời điểm lấy phiếu; mức đánh giá tín nhiệm và hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.


Có 23 đại biểu Quốc hội đăng ký và đã phát biểu. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và thống nhất ý kiến về nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, cần phải sửa đổi Nghị quyết 35 và nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết này. Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết.


Bàn về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35. Tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ, đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Mặc dù thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng là những người chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân và có trách nhiệm báo cáo, trả lời chất vấn tại Hội đồng nhân dân, nhưng thẩm quyền đánh giá, quản lý cán bộ lại không thuộc Hội đồng nhân dân. Do vậy, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được thực hiện theo quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.


Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người đứng đầu cơ quan tư pháp như: Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và một số cơ quan chuyên môn khác được tổ chức theo ngành dọc như: Cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng nhà nước. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm đối tượng là thủ trưởng các cơ quan của Hội đồng nhân dân; trưởng ban kiêm nhiệm của Hội đồng nhân dân…


Thảo luận về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (Điều 7), một số ý kiến tán thành với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014. Các ý kiến này cho rằng, quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.


Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Lò Hải Ươi (Lai Châu), Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang)… đề nghị cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong mỗi nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) phân tích, nếu mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần sẽ khó nâng cao trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc cải tiến chất lượng hiệu quả công việc, nhất là đối với những người thời gian công tác không còn nhiều. Một số có thể cho rằng, thời gian còn dài nên chậm trễ triển khai khắc phục hạn chế; số khác có tâm lý hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ nên việc đánh giá không quan trọng, không tập trung khắc phục thiếu sót. Hơn nữa, nếu lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở để bố trí, sử dụng cán bộ như mục đích Nghị quyết đề ra.


Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu vẫn còn những quan điểm khác nhau.


Một số ý kiến nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Việc xác định 3 mức này là bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp với đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta, bởi lẽ người đang giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước hết phải là những người đã được đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn khi bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn.


Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi cho rằng, việc quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Một số ý kiến khác đề nghị đổi mức độ “tín nhiệm thấp” hiện nay thành “không tín nhiệm".


Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương rất lớn, rất quan trọng đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4; qua sơ kết bước đầu có nhiều ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35 cho phù hợp hơn với quy định hiện hành. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân, của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Theo Chương trình, thứ hai (ngày 16/6), buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể để tiến hành biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo Báo điện tử ĐCSVN