Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.
Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 1-7-2014.
Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, một số đại biểu cho rằng Dự án luật sửa đổi nên theo hướng bãi bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo khoản 2 điều 13 của Luật Quốc tịch năm 2008, bởi điều này chưa phù hợp với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài và quy định của Hiến pháp: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Bên cạnh đó, quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho kiều bào, trong một số trường hợp sẽ tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn, sinh sống của kiều bào nhất là đối với những người đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng nước sở tại đó lại áp dụng nguyên tắc “một quốc tịch” ...
Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận cho những người không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu. Những người có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam không cần phải đăng ký để giữ quốc tịch.Các đại biểu cũng kiến nghị: Quốc hội cho phép quy định thời điểm có hiệu lực của Luật kể từ ngày công bố, nhằm bảo đảm cho việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện cơ bản là liên tục, không bị ngắt quãng, tránh trường hợp đến ngày 1-7-2014 sẽ có hàng triệu đồng bào sẽ bị mất quốc tịch theo tinh thần của Luật Quốc tịch năm 2008 và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn, cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó, mang lại lợi ích cho các hãng hàng không của Việt Nam; tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam; có lợi cho người tiêu dùng.Đồng thời, giảm chi phí kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp cận hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế.
. Trước đó, trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo các đại biểu, để doanh nghiệp có thể làm những gì luật không cấm như tinh thần của Hiến pháp 2103, dự luật cần quy định các nguyên tắc để các văn bản khác không tùy tiện đưa ra những quy định cấm, điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến quyền của doanh nghiệp. Đa số đại biểu đều đồng tình với việc không cần thiết phải đưa một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước như trong dự thảo. Bởi điều này sẽ tạo cho các thành phần doanh nghiệp khác có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên đưa các quy định về doanh nghiệp vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang được Quốc hội cho ý kiến.
L.H (Tổng hợp)