Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Đại tướng - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam dự Đối thoại này, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Singapore.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Đại tướng - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam dự Đối thoại này, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore.
Về ý nghĩa của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 (diễn ra từ 31-5 - 1-6 tại Singapore), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, bên cạnh những mặt thuận lợi lớn, cơ hội lớn, cũng đã xuất hiện nhiều điểm nóng ở Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các cường quốc có chiến lược toàn cầu, chiến lược khu vực. Về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực này cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, có nước cho đó là sự cần thiết nhưng cũng có nước cho rằng sẽ gây ra tranh cãi, tranh chấp về mặt chiến lược, tranh chấp về ảnh hưởng địa chiến lược ở khu vực. Do đó, Đối thoại Shangri-La lần này rất quan trọng, đó là nơi để các nước bày tỏ, chia sẻ quan điểm, thông tin về tình hình, chính sách của mình, xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp hợp tác, nhất là hợp tác về lĩnh vực quốc phòng để duy trì hòa bình, ổn định, tránh đối đầu, giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác, hết sức tránh hiểu lầm, đối đầu để xây dựng môi trường chung hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc Đối thoại Shangri La lần thứ 13. |
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 bởi đây là khu vực có đường hàng hải quốc tế tạo sự giao lưu, hoạt động thông thương rất quan trọng đối với các nền kinh tế. Nếu an ninh ở đây không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, khi tình hình tại Biển Đông đang bất ổn, các nước đều bày tỏ quan ngại mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế, Công ước luật biển, DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định các nước phải tôn trọng luật pháp, không được có các hành động đơn phương, tạo ra việc đã rồi hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về mặt chủ quyền lãnh thổ.
Về đóng góp của đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: “Trong đối thoại lần này, đoàn Việt Nam được ban tổ chức mời phát biểu với chủ đề “Quản lý căng thẳng chiến lược”, chúng ta đã chia sẻ những nhận thức chung về vấn đề quản lý căng thẳng chiến lược như thế nào”. Theo Bộ trưởng, “Chúng ta đã thông tin một cách chính thống, một cách khách quan, trung thực, kịp thời để các chính khách, học giả, cơ quan truyền thông quốc tế biết tình hình hiện nay ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ trương nhất quán của chúng ta là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, bằng biện pháp hòa bình, nhất là luật pháp quốc tế, Công ước luật biển năm 1982 cũng như DOC. Chúng ta hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng tàu cá phối hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và chúng ta đang cố gắng thông qua con đường đối thoại với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để tìm kiếm giải quyết căng thẳng này. Nói chung, lập trường của Việt Nam được các nước chia sẻ, hoan nghênh, đồng tình, đó là phải tự kiềm chế, phải dùng luật pháp quốc tế, luật biển và DOC, chứ không được dùng vũ lực, xung đột, vì nếu xảy ra xung đột thì nó là thảm họa cho cả khu vực, ảnh hưởng đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước, điều mà nhiều nước rất quan ngại”.
H.N (Theo TTXVN)
.