11:06, 19/06/2014

Hải Dương 981 là bình phong cho mưu đồ nguy hiểm hơn của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia và học giả cho rằng, việc Bắc Kinh cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là mối đe dọa với an ninh khu vực.

Nhiều chuyên gia và học giả cho rằng, việc Bắc Kinh cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là mối đe dọa với an ninh khu vực.


Xây đảo để thực hiện mưu đồ thâu tóm Biển Đông


Nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc đã vận chuyển vật liệu tới khu vực các rạn san hô và bãi đá ngầm để hiện thực hóa âm mưu tạo ra một số hòn đảo mới ở quần đảo Trường Sa. Theo giới quan sát, động thái này của Trung Quốc là một trong những nỗ lực để mở rộng tầm ảnh hưởng nhằm tiến tới đạt được yêu sách phi lý về chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây có thể chỉ là một trong những bước chuẩn bị để Trung Quốc có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như căn cứ quân sự bao gồm cả các trạm radar.


Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc diễn ra tại các bãi đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Kể từ tháng 4-2014, Philippines đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cải tạo đất tại 2 rạn san hô. Gần đây nhất, trong tháng 6-2014, Tổng thống Philippines, Benigno S. Aquino III đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc đang có các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở 2 địa điểm khác.


Hành động này của Trung Quốc cũng khiến các quan chức cấp cao Mỹ lo ngại. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 diễn ra tại Singapore vào cuối tháng 5-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng chỉ trích “các hoạt động cải tạo đất tại nhiều địa điểm” của Trung Quốc.


Giới phân tích cho rằng, các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang âm mưu xây dựng sẽ cho phép nước này có địa điểm để đặt các trạm radar giám sát bao trọn khu vực Biển Đông và cũng là căn cứ hậu cần tiếp sức cho các tàu của nước này “tung hoành” trong khu vực. Xa hơn nữa, việc hiện thực hóa yêu sách phi lý ở Biển Đông được cho là một phần trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc vươn tới vùng biển Tây Thái Bình Dương.


Tháng 5-2014, Trung Quốc ngang nhiên tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thổi bùng lên căng thẳng trong khu vực. Tuy vậy, nhiều chuyên gia và học giả cho rằng, việc Bắc Kinh cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo thực sự là vấn đề nghiêm trọng hơn so với vụ việc giàn khoan bởi những hòn đảo này sẽ “tồn tại lâu dài và là cơ sở để thực hiện các mưu đồ phi lý khác” của Trung Quốc ở Biển Đông.


Theo những thông tin và hình ảnh tại thực địa mới được Philippines công bố, Trung Quốc không chỉ có ý định cải tạo đất mà còn âm mưu xây dựng một đường băng ở bãi Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South Reef, theo cách gọi của Philippines là Mabini còn Trung Quốc gọi là Chigua).


Trước những lý lẽ thiếu thuyết phục của Trung Quốc về chủ quyền bãi Gạc Ma (trên thực tế Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm của Việt Nam hồi năm 1988), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định rằng, việc Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động xây dựng ở Gạc Ma và một số đảo khác ở quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.


Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng, xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực bãi đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa vốn đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988”.


Ý đồ lộ rõ, Trung Quốc tiếp tục quanh co


Trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng đàm phán, đối thoại để tháo gỡ bất đồng thì Trung Quốc lại tỏ ra “bất cần”, không chịu hợp tác.


Jin Canrong, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo bãi Gạc Ma chỉ là “một thử nghiệm kỹ thuật để nghe ngóng phản ứng của các nước khác và xem điều này có thể thực hiện được không”. Nếu muốn xây dựng đảo lớn hơn, Trung Quốc sẽ chọn đảo Đá Chữ Thập cách Đá Gạc Ma khoảng 144km về phía Tây.


Từ cuối tháng 5-2014, các thông tin về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo đã lan truyền trên báo chí Trung Quốc. Trích dẫn một báo cáo được đăng tải trên trang web của Viện nghiên cứu và thiết kế đóng tàu số 9 Trung Quốc (NDRI) tại Thượng Hải, tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay kế hoạch đảo nhân tạo - vốn chưa rõ ràng - có thể bao gồm một đường băng và một bến tàu và thậm chí cả một sân bay với đường băng và nhà chứa máy bay.


Khi các phóng viên liên hệ với công ty này để xác nhận thông tin, đại diện NDRI cho biết, vì thông tin nói trên “quá nhạy cảm” nên đã bị gỡ bỏ khỏi trang web của công ty. Người này cũng từ chối không đưa ra bình luận gì thêm. Ông Wu Shicun - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông, người hiện đang tham gia nhóm nghiên cứu liên kết với Chính phủ Trung Quốc trên đảo Hải Nam cũng thừa nhận việc Trung Quốc đang có các hoạt động cải tạo đất ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, ông này khăng khăng cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo là để hướng tới tăng cường quản lý thủy hải sản trong nước và khả năng cứu trợ nhân đạo, không nhằm mục đích quân sự.


Trung Quốc - nhân tố gây bất ổn khu vực


Tuy nhiên, tờ USNews của Mỹ đưa ra bình luận nhấn mạnh rằng, cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” này lại rất đáng tranh cãi nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra yêu sách và chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và chỉ dựa trên “đường lưỡi bò” phi lý mà nước này đơn phương tuyên bố. Yêu sách này không được bất kỳ nước nào khác chấp thuận trừ… Trung Quốc.


Christopher K. Johnson, chuyên gia phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm bù đắp lại những gì họ cho là chưa được quan tâm đúng mức bởi hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào Đài Loan mà không chú ý tới Biển Đông.


Theo ông Johnson, Trung Quốc không giấu giếm tham vọng tăng cường, mở rộng sức mạnh hải quân của mình. “Không còn nghi ngờ gì nữa, họ (Trung Quốc) đang muốn thực hiện tham vọng có một cơ sở hải quân ở một trong những đảo họ đang cải tạo xây dựng”.


Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc không ít lần tuyên bố sẽ xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để lực lượng của họ không chỉ hoạt động quanh những gì Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” - các quần đảo gần đất liền gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà sẽ hướng tới “chuỗi đảo thứ hai” - bao gồm đảo Guam và các vùng lãnh thổ xa hơn về phía Đông.


Giáo sư Thayer cho biết, ông chưa thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập cơ sở quân sự lớn trên các đảo mới do họ tạo ra. Tuy nhiên, ông nói rằng, những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông cũng không khác so với những gì họ toan tính ở Hoa Đông - nơi Trung Quốc đã có tranh chấp từ lâu với Nhật Bản.


Ông Thayer nói: “Bản chất của hai trường hợp này là giống nhau. Tất cả có vẻ như là nằm trong một kế hoạch mới nhằm khẳng định tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Tham vọng này sẽ không biến mất và chính vì thế nó sẽ là yếu tố gây căng thẳng trong khu vực”.


H.N (Tổng hợp)