07:06, 01/06/2014

Dư luận quốc tế tiếp tục lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông

Tuần qua (từ 26-5 đến 1-6), dư luận thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Tuần qua (từ 26-5 đến 1-6), dư luận thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.


* Ngày 26/5, trả lời phỏng vấn "Thời báo Tài chính" (Anh), Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo rằng việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục có các hành động tương tự gây bất ổn tại khu vực.
 

Dư luận quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam (Ảnh: vietnam+)
Dư luận quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam (Ảnh: vietnam+)


Tổng thống Aquino cho rằng, Trung Quốc đang khơi mào một động thái vô cùng nguy hiểm, có thể vượt quá tầm quyền soát, gây tổn hại tới các mối quan hệ ngoại giao và có nguy cơ biến thành xung đột. Tổng thống Aquino kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết; đồng thời hối thúc các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng hơn về cách giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.


* Ngày 27/5, tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đăng bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những quan ngại của nhà lãnh đạo này trước diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, xuất phát từ việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan trên Biển Đông. Thủ tướng Nhật Bản nêu rõ, Tokyo duy trì một lập trường vững vàng đó là “không bao giờ dung thứ cho những hành vi thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng chế”, mà trái lại, luôn mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.


* Ngày 28/5, trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point, New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: Mỹ sẵn sàng đáp trả các hành vi “gây hấn” của Trung Quốc với các láng giềng trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiến hành đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nhà lãnh đạo này khẳng định, Mỹ và các nước khác đang hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề này thông qua luật pháp quốc tế.


* Cũng trong ngày 28/5, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại trước khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước ASEAN nhằm bảo đảm rằng, luật pháp sẽ được tôn trọng trong giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay.


* Ngày 28/5, tờ Kyodo News của Nhật Bản đã đăng bài viết của tác giả Dario Agnote bày tỏ quan ngại rằng, những diễn biến gần đây cho thấy, triển vọng ASEAN và Trung Quốc có thể thông qua COC, nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông đang ngày càng trở nên mờ nhạt trong khi niềm tin giữa các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu vực lại “ngày càng bị xói mòn”.


* Ngày 28/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tiếp đó, ngày 29/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã ra Thông cáo báo chí về vụ việc trên.


* Ngày 29/5, ông Julio Cesar Tinoco Oros, Bí thư Đối ngoại và Di trú Đảng Cách mạng Dân chủ Mexico đã trao cho Đại sứ quán Việt Nam bản Tuyên bố của Đảng này về vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, PRD cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Mexico sớm bày tỏ lập trường về vấn đề này và hy vọng Mexico đóng vai trò tích cực hơn trong việc tìm kiếm và gìn giữ hòa bình trên thế giới, đặc biệt trong trường hợp các bên liên quan là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử và sâu sắc với Mexico, đồng thời khẳng định luôn tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của mỗi dân tộc trên thế giới, ủng hộ hòa bình và cho rằng đối thoại và chính trị là các công cụ đóng góp vào việc tạo dựng sự thịnh vượng cho nhân loại ngày càng tốt đẹp hơn.


* Ngày 30/5, phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua đối thoại và xử lý một cách thích hợp. Thủ tướng Najib cho rằng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần dựa vào nhau, vì cả ASEAN và Trung Quốc đều là những láng giềng gần gũi, và hai bên nên cùng phối hợp một cách chặt chẽ vì hòa bình chung và thịnh vượng trong khu vực.


* Chiều 30/5, tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 tại Singapore, trong các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn Việt Nam, trưởng đoàn các nước New Zealand, Singapore và Nga đều bày tỏ sự quan tâm tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.


* Trong bài phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 diễn ra tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục khẳng định rõ ràng rằng, những hành động quân sự và trên biển của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Nhật Bản sẽ không bao giờ dung thứ cho những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo còn tuyên bố rõ lập trường rằng, ông muốn tận dụng những nỗ lực tại Singapore để đưa ra lời giải thích chi tiết về chính sách an ninh và đối ngoại mà Nhật Bản đang theo đuổi, nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như những khu vực khác trên thế giới.


* Ngày 31/5, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhấn mạnh những cam kết của Mỹ đối với các nước đồng minh và bạn bè ở châu Á, đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế; đồng thời đưa ra một thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc thông qua đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La, nêu rõ: “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông", đồng thời tuyên bố "Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”. Bộ trưởng Hagel tuyên bố Washington “kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”.


Vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào hồi 16h ngày 26/5 ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương - 981, cách 17 hải lý đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dư luận quốc tế thật sự lưu tâm và quan ngại trước những hành động nguy hiểm, làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông.


* Ngày 27/5, phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, khẳng định, việc Trung Quốc đâm và làm chìm tàu cá của Việt Nam là một "hành động cực kỳ nguy hiểm", liên quan tới tính mạng con người.


* Ngày 27/5, tờ International Bussiness Times (Anh) có bài viết: “Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông, đâm chìm tàu cá của Việt Nam”, trong đó nêu bật những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể từ sau khi chính quyền Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.


* Ngày 28/5, trang điện tử CNBC (Mỹ) nêu quan điểm cho rằng, các báo cáo về việc tàu cá của Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông đã làm gia tăng quan ngại về những rủi ro địa chính trị tại châu Á, cũng như phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình xung đột trong khu vực.


* Dưới bài viết mang tiêu đề: "Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam", trang tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá, vụ việc là màn "đối đầu nghiêm trọng nhất" của hai nước kể từ năm 2007. Tờ Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho rằng, giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ cần tới một thời gian dài, chính vì thế, những gì có thể làm được hiện nay là các bên nỗ lực thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó quy định rõ điều gì được làm, điều gì có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được tại vùng biển này.


* Tờ The Scotsman (Scotland) có bài viết: “Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông” cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào Biển Đông. Theo bài viết, tham vọng độc chiếm phần lớn Biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào trạng thái xung đột với các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, bài viết cũng lưu ý, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cản trở các nỗ lực đàm phán để giải quyết các vấn đề liên quan.


* Về sự việc trên, tờ New York Times (Mỹ) nhận xét: Vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào Biển Đông ngày 1/5. Tờ báo dẫn lời ông Dennis J. Blasko, cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá: Vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì có thể khiến tình hình tiếp tục gia tăng căng thẳng.


Theo Báo điện tử ĐCSVN