04:06, 05/06/2014

Đổi mới quy định về hộ tịch

Dự thảo Luật Hộ tịch sẽ có quy định "mở" nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.

Dự thảo Luật Hộ tịch sẽ có quy định “mở” nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.


Chiều 4/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Hộ tịch


Nội dung dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: Xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi... ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.


Đồng thời có quy định “mở” nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.


Với vai trò của số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, dự thảo Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua trực tuyến (Điều 9).


Dự thảo Luật quy định rõ việc miễn lệ phí đối với mọi trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ, đồng thời quy định việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi trong nước của người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng được miễn lệ phí (khoản 1, Điều 11).


So với pháp luật hiện hành thì việc quy định UBND cấp huyện đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài là quy định mới, nhằm phát huy năng lực, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh.


Bên cạnh đó, việc giao UBND cấp huyện đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên, xác định lại dân tộc là nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, khắc phục tình trạng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước hoặc trục lợi.


Việc phân cấp này cũng sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.


Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.


Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, dự thảo Luật quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.


Nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật Hộ tịch, Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Đề án 896, góp phần bảo đảm thực hiện được mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật Hộ tịch.


Theo chinhphu.vn