08:06, 14/06/2014

Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ

Chiều 13-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều 13-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.


Khi trình QH sửa Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết, Nghị quyết số 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhằm giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.
 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm của cán bộ.


Tuy nhiên, đa số đại biểu QH không đồng ý để 3 mức tín nhiệm mà đề nghị chỉ nên có 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm đại biểu. Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, đại đa số đại biểu QH cũng đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ lấy 1 lần/nhiệm kỳ thì không có cơ sở để đánh giá cán bộ, không tạo được động lực để cán bộ phấn đấu. Ngược lại nếu lấy 1 lần/năm thì dồn dập quá, cán bộ chưa đủ thời gian để chứng tỏ năng lực của mình. Vì vậy, lấy 2 lần/nhiệm kỳ là phương án để dung hòa cả 2 phương án trên. Một số đại biểu đề nghị đối với người không được tín nhiệm thì cho từ chức trước khi bị miễn nhiệm. Về phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, còn hoạt động không chuyên trách thì không nên vì hiệu quả không cao. Ngoài ra, nên lấy phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh vì vị trí này tiếp xúc thường xuyên với người dân.


Trước đó, thảo luận về Luật Đầu tư, nhiều đại biểu đồng tình với việc phải sửa toàn diện Luật này để làm nền tảng cho các luật chuyên ngành khác như: Luật doanh nghiệp, chứng khoán, đất đai, bất động sản…
Đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi này phải phân cấp mạnh quản lý đầu tư. Nhà nước quản lý ở cấp vĩ mô, còn cấp tỉnh thì quản lý cùng với các nhà đầu tư, nhà thầu để giám sát, kiểm tra, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Về những ngành nghề bị cấm đầu tư đã được Hiến pháp qui định, theo nhiều ý kiến đại biểu, nếu đưa vào Luật càng cụ thể bao nhiêu càng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và nhà quản lý.


Ở khía cạnh khác, một số ý kiến cho rằng, hoạt động đầu tư của Luật Đầu tư không tách rời hoạt động kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các văn bản quy định về các chủ thể kinh doanh khác. Đầu tư là để kinh doanh, kinh doanh là để hiện thực hóa việc đầu tư. Do đó, các quy định của Luật Đầu tư phải đảm bảo tương ứng với các quy định liên quan, đặc biệt là quy định của Luật Doanh nghiệp, đảm bảo hiện thực hóa nguyên tắc quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp.


H.N (Tổng hợp)