Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người.
Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người.
Sáng 9/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Dự án Luật Hộ tịch.
Góp ý vào Dự án Luật Căn cước công dân, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai. Đặc biệt, với Luật này sẽ giảm bao nhiêu giấy tờ, thủ tục hành chính cho người dân. Đại biểu Lê Văn Huy (đoàn Nghệ An), Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu cho rằng, Dự án Luật này cần phải xem xét kỹ và có lộ trình trong lập thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia cho hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nguồn kinh phí triển khai Dự án Luật lấy từ đâu? Cần bao nhiêu tiền và người dân phải đóng phí như thế nào khi làm thẻ căn cước công dân? Bởi thực tế vừa qua, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành đúng nhưng khi triển khai không có kinh phí nên không đi vào cuộc sống, nhiều quy định khi triển khai không khả thi, gây phiền hà cho người dân.
Thảo luận về Luật Hộ tịch, đa số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật đã đưa ra các quy định nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo sự đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn trong công tác quản lý Nhà nước về dân cư, một số ý kiến đề nghị Dự án Luật chưa nên mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và gộp các vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao cho một ngành thống nhất quản lý.
Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân để từng bước loại bỏ thủ tục hành chính và các loại giấy tờ không cần thiết, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật hộ tịch đã đề ra. Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Luật này. Lý do là hiện nay nhiều địa phương, cơ sở vật chất và nhân lực chưa đáp ứng được một số quy định, yêu cầu của Luật Hộ tịch.
Đại biểu Võ Thị Dung, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Quy định của Luật còn bất cập. Nhiệm vụ của ủy ban nhân dân cấp xã thì nhiều nhưng cơ sở hạ tầng và nhân lực chưa đồng bộ với Luật. Về bộ máy, ở khoản 1 điều 72 quy định công chức tư pháp hộ tịch. Hiện nay dồn về cơ sở mà không có người chuyên trách, đó là bất cập, không khả thi. Cơ sở vật chất chưa đầy đủ thì thực hiện Luật hộ tịch như thế nào? Thông tin về cơ sở dữ liệu về hộ tịch thì ngành nào cũng khai thác, nay thực hiện Luật thì hợp nhất lại và cập nhật dữ liệu là cả một vấn đề”.
Theo VOV