Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền; nhiều chính sách phát triển ngành thủy sản; đẩy nhanh việc giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 2 - 6/6/2014.
Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền; nhiều chính sách phát triển ngành thủy sản; đẩy nhanh việc giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 2 - 6/6/2014.
Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ động nắm tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với mọi tình huống phát sinh; tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình đối với các hành động sai trái của Trung Quốc.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên trì triển khai các biện pháp đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế; động viên, khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài yên tâm tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; bố trí nguồn tín dụng đối với những lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản, kết hợp giữa phát triển kinh tế với khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh hải, ngư trường truyền thống của Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh về cơ chế cho vay tín dụng đối với ngư dân; áp dụng các biện pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giao dịch, vay vốn giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chính sách phát triển ngành thủy sản
Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014, Chính phủ cũng thống nhất ban hành Nghị định về một số chính sách mang tính đột phá, tạo cơ sở thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, toàn diện, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ thông qua một số chính sách như chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng tàu công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ, đóng tàu làm dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ.
Ngân hàng Nhà nước điều hành mức lãi suất cho vay đối với hoạt động này không quá 5%/năm, trong đó chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã trả với mức lãi suất tối đa 3%, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thời hạn được vay là 11 năm, trong đó 1 năm ân hạn không tính lãi suất.
Về bảo hiểm, đối với thân tàu, Nhà nước hỗ trợ 70% phí bảo hiểm; chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã sở hữu tàu trả 30% phí cho cơ quan bảo hiểm. Bảo hiểm về người được Nhà nước hỗ trợ 100% phí...
Đẩy nhanh việc thực hiện giúp đỡ doanh nghiệp bị thiệt hại
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại với thành phần gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; lãnh đạo UBND các địa phương liên quan để điều phối, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết thủ tục và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.
Đồng thời chủ động đẩy nhanh việc hướng dẫn chi tiết, cụ thể để hỗ trợ các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại đã nêu tại Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014, Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 22/5/2014, văn bản số 3758/VPCP-KTTH ngày 26/5/2014, đảm bảo giải quyết kịp thời những đề nghị và vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó phối hợp với địa phương làm việc với doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, bị cháy và gặp khó khăn chưa phục hồi sản xuất để đánh giá thiệt hại; xác định khả năng và những khó khăn khi phục hồi sản xuất kinh doanh, đề xuất các phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, nhất là tại các Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp; nhanh chóng truy tìm và trả lại nhà đầu tư các trang thiết bị đã bị lấy cắp; tăng cường công tác theo dõi nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Tại Thông báo 222/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nông dân trong điều kiện đất đai có hạn, dân số tăng lên. Hết sức chú trọng đến việc nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; biện pháp tưới tiêu, canh tác mới, giảm tổn thất sau thu hoạch…, có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông …) trên địa bàn các xã; việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn, nghĩa trang… cần xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Trong quá trình thực hiện cần hết sức lưu ý việc huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân phải cân nhắc, đảm bảo vừa sức dân; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc.
Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn theo cả 2 hướng, ưu tiên đào tạo tại chỗ bỗi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động đang làm; và đào tạo ngành nghề mới để người lao động có thể chuyển sang ngành nghề khác. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp.
Quy định mới về Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Theo đó, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gồm 15 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1000 điểm.
Trong đó, 75 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lang thang kiếm sống, làm việc xa gia đình chiếm dưới 2%; không có trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ trẻ em đến trường, lớp mầm non đạt từ 90% trở lên...
50 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần trong năm đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương đạt từ 98% trở lên...
Tăng cường kiểm tra, giám sát sức khỏe đội ngũ lái xe
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Y tế hoàn thành việc khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn, báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/7/2014.
Đối với các tỉnh, thành phố chưa triển khai việc khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai ngay.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô, quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; hoàn thành trong quý III/2014.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải, gồm cả việc tổ chức kiểm tra đột xuất, hậu kiểm để bảo đảm chính xác, trung thực; xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở y tế cấp Giấy chứng nhận sức khỏe không đúng quy định.
Khẩn trương bổ sung hướng dẫn hỗ trợ người lao động phải ngừng việc
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương bổ sung hướng dẫn việc hỗ trợ người lao động phải ngừng việc tại các doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương.
Cụ thể, đối tượng hỗ trợ là người lao động phải ngừng việc từ ngày 12/5/2014 cho đến khi doanh nghiệp hoạt động trở lại (trước ngày 1/7/2014).
Mức tiền hỗ trợ là mức lương ngừng việc do doanh nghiệp và người lao động (hoặc đại diện người lao động) thỏa thuận tương ứng với thời gian người lao động phải ngừng việc nhưng không thấp hơn mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải trả phần lãi suất do trả lương chậm đối với khoản tiền lương tháng 4 và những ngày đã làm việc trong tháng 5/2014 của người lao động.
Khoản tiền lương ngừng việc trả cho người lao động được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hạn chế tối đa thành lập trường đại học
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước mắt, hạn chế tối đa việc thành lập, cho phép thành lập thêm các trường đại học, cao đẳng, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng mạng lưới trường đại học, cao đẳng trong cả nước để có đề xuất phù hợp về các giải pháp kiện toàn, củng cố và mở rộng mạng lưới trong thời gian tới.
Theo chinhphu.vn