Đã 6 tuần trôi qua kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của Việt Nam, dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích hành động của Trung Quốc và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Đã 6 tuần trôi qua kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của Việt Nam, dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích hành động của Trung Quốc và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Ngày 10-6, trên tạp chí The Diplomat, tác giả Ankit Panda có bài viết nêu rõ, trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tiếp gia tăng các hành vi thách thức tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng trong khu vực, từ việc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản vào năm 2013 cho đến hành động đơn phương trái phép hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của Việt Nam, tháng 5-2014. Tác giả Ankit Panda cho rằng, những hành động của Trung Quốc đang ngày càng biến nước này trở thành một “kẻ chuyên đi bắt nạt trong khu vực”. Thay vì sử dụng các công cụ pháp lý hiệu quả để khẳng định tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc lại liên tiếp đưa ra những tài liệu, dẫn chứng “lặp đi lặp lại không cần thiết”, và xem đây là bằng chứng khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ - khiến tất cả chỉ trở thành một “truyền thuyết hay một lời đồn đoán”.
Tác giả Panda cho rằng, điều duy nhất có giá trị hơn cả chiến thắng về chính trị trên quốc tế - đó là giành chiến thắng trong danh dự, nâng cao được uy tín và tầm ảnh hưởng của mình. Chính vì thế, hiện vẫn chưa là quá muộn để Trung Quốc có thể “vớt vát” được những tiếng tăm tích cực còn sót lại trong cách thức giải quyết mâu thuẫn với các nước láng giềng trên Biển Đông hay biển Hoa Đông.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. |
Ngày 9-6, Trung Quốc đã gửi các tài liệu liên quan đến vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Việt Nam lên Liên hợp quốc. Tài liệu của Trung Quốc đã trắng trợn vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và “cản trở bất hợp pháp” việc thăm dò của Trung Quốc. Liên quan tới vấn đề này, Tạp chí The Diplomat, ngày 10-6 đăng bài viết của tác giả Zachary Kech với tựa đề “Trung Quốc quốc tế hóa những tranh chấp ở Biển Đông”, cho rằng, Trung Quốc đã tự tạo cho mình một “tiền lệ nguy hiểm” khi gửi tài liệu về vụ giàn khoan Hải Dương - 981 lên Liên hợp quốc.
Tác giả bài viết bày tỏ hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc khi hành động của Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của Việt Nam đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực như Hội nghị cấp cao ASEAN hay Đối thoại Shangri-La 2014. Theo nhận định của tác giả, việc Trung Quốc đưa vụ giàn khoan Hải Dương - 981 lên Liên hợp quốc đã cho thấy, Bắc Kinh đang ngày càng “e ngại” trước khả năng các nước láng giềng sẽ sử dụng luật pháp quốc tế để phủ nhận sức mạnh về quân sự của Trung Quốc.
The Diplomat cho rằng, thực tế thì Trung Quốc đang lo ngại việc Việt Nam có thể kiện nước này ra Tòa án quốc tế. Nếu làm như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Australia và rất nhiều nước khác. Chính vì thế, bằng việc chủ động đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương - 981 ra Liên hợp quốc, Trung Quốc muốn cản trở Việt Nam đưa vụ việc này ra Tòa án quốc tế. Tuy nhiên, đây lại được đánh giá là một “canh bạc mạo hiểm” của Trung Quốc bởi cái gọi là “đường chín đoạn” trên Biển Đông do nước này tự vẽ ra hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ngày 10-6, tờ The Malaya Business Insight đăng bài viết của tác giả Nestor Mata, trong đó bày tỏ quan ngại quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông có nguy cơ làm bùng phát một cuộc “xung đột vũ trang” ở châu Á. Qua đó, tác giả đặt câu hỏi hoài nghi về thông điệp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra về “sự trỗi dậy một cách hòa bình” của Trung Quốc.
Trong khi dư luận quốc tế tiếp tục hoài nghi và chỉ trích các hành vi áp đặt, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thì cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của Việt Nam lại không ngừng nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận và các nhà lãnh đạo quốc tế.
Trong cuộc gặp Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, diễn ra tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York ( Mỹ), ngày 10-6, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (Khóa 68) John Ashe đã bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cho biết văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện nay.
Trong một tuyên bố ngày 11-6, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo đuổi chính sách giải quyết căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông thông qua đối thoại, duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Kishida nêu rõ, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết, ông có kế hoạch sẽ tới Việt Nam vào ngày 1-7 tới sau khi kết thúc chuyến thăm Campuchia.
H.N (Theo dangcongsan.vn)