Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu đã làm nên thành công của kỳ họp
Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu đã làm nên thành công của kỳ họp
Sáng 24/6, sau khi biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và các Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quốc hội đã tiến hành bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, được đồng bào, cử tri cả nước đón nhận, tin tưởng, đồng tình, ủng hộ. Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào, cử tri là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của kỳ họp quan trọng này.
Trong diễn văn bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 1 tháng làm việc tích cực, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá tình hình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Quốc hội ghi nhận quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ, của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước nhờ vậy đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong ổn định và phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa, thì nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2014 và những năm tiếp theo là rất khó khăn.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp |
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, toàn diện và đề ra nhiều giải pháp quan trọng tích cực, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành các cấp tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đoàn kết thống nhất cùng đội ngũ doanh nhân cùng đồng bào chiến sĩ cả nước phát huy cao độ nội lực, tranh thủ có hiệu quả nguồn đầu tư, sự hỗ trợ ,tình đoàn kết quốc tế, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và chuyển đổi thành công mô hình kinh tế, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo có hiệu quả; phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015;kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân; mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tinh thần khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới. Tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để xác định các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Căn cứ vào kết quả thực hiện và những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo - một trong những trọng tâm của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, Quốc hội xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực thi chính sách, pháp luật về giảm nghèo để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Quốc hội đã chất vấn 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội nhận thấy phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, công khai; nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề cấp thiết của đời sống kinh tế - xã hội, được đồng bào, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp cần đề cao ý thức phục vụ nhân dân, tiếp tục có giải pháp tích cực giải quyết các kiến nghị mà cử tri đặt ra để báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước tại kỳ họp sau. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Theo VOV