Những ngày đầu tháng 5 này, thông tin về diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đặt hạ trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xuất hiện ở mọi nơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Câu nói: "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!" cứ vang lên trong đáy lòng mỗi người dân đất Việt chúng ta.
Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!
Những ngày đầu tháng 5 này, thông tin về diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đặt hạ trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xuất hiện ở mọi nơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Câu nói: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!” cứ vang lên trong đáy lòng mỗi người dân đất Việt chúng ta.
Trong thời khắc này, ta lại muốn nhắc tới bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư, dịch là: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Truyền thống yêu nước của nhân dân ta kết tinh từ ngàn đời, đã tạo nên sức mạnh quật cường của một dân tộc. Tinh thần yêu nước ấy đã làm cho mỗi người dân đất Việt xích lại gần nhau, đoàn kết một lòng.
Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ quỳ gối trước áp lực cường quyền. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, bảo vệ chủ quyền của mình. Không ai có quyền xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chính vì thế, trong những ngày qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, người dân đã thể hiện tình cảm hết sức đặc biệt đối với những người làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, những ngư dân bám biển vươn khơi. Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư hết sức kiềm chế, tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam đã gây nhiều trở ngại cho ngư dân miền Trung. Thực tế cho thấy, bà con ngư dân vẫn duy trì hoạt động đánh cá của mình như một cách khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa. |
Việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của các lực lượng chức năng Việt Nam đã tiếp thêm tinh thần cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài vùng biển, củng cố niềm tin của người dân. Những ngư dân Khánh Hòa cho biết, sau khi tiêu thụ hết hải sản, tàu lại tiếp tục ra vùng biển Hoàng Sa để khai thác. Trước đây, ông bà ta đã khai thác hải sản ở Hoàng Sa, bây giờ Trung Quốc làm khó như thế nào, ngư dân cũng vẫn tiếp tục ra khơi để giữ nguồn gốc của ông bà.
Thế giới lên tiếng
Việc Trung Quốc cố tình dựng giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế nước ta thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế. Những ngày qua, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc. Nhiều nước chỉ trích Trung Quốc, cho rằng hành động này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong tuyên bố mới nhất ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ lý lẽ pháp lý về việc đặt giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan đến vụ việc này. Ông nhấn mạnh, căng thẳng Trung Quốc - Việt Nam là do hành động đơn phương và khiêu khích từ phía Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan và các tàu chiến tới Biển Đông là hành động nguy hiểm và mang tính đe dọa. Chúng tôi lo ngại, những hành động này rõ ràng mang tính khiêu khích”.
Người phát ngôn của đại diện ngoại giao cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Michael Mann ngày 9-5 đã tuyên bố: “Liên minh châu Âu đặc biệt quan ngại những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo an toàn hàng hải. Chúng tôi kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng leo thang và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Căng thẳng mới tại Biển Đông là do Trung Quốc gây ra. Nước này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động sai trái của mình.
P.V