11:05, 28/05/2014

Hành động đơn phương nguy hiểm của Trung Quốc không thể chấp nhận được

Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 28-5, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết: Mỹ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 28-5, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết: Mỹ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.


Đối với sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam, ông Cardin cho biết Mỹ phản đối hành động có tính gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi tin tưởng vấn đề cần phải được giải quyết trong hòa bình và các bên phải kiềm chế và không nên có các hành động mang tính gây hấn ở Biển Đông”, ông  Cardin cho hay.


- Báo Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết những diễn biến mới nhất sau khi ông cùng 5 thượng nghị sĩ khác ra tuyên bố ngày 9-5 kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành vi khiêu khích và kêu gọi Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết về vấn đề này?


- Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã cân nhắc đưa ra nghị quyết, nói đến tất cả các điều mà tôi vừa đề cập. Chúng tôi hoàn toàn phản đối các hành vi đơn phương gây hấn ảnh hưởng an ninh hàng hải. Trung Quốc đã thực hiện các hành vi đó. Đó là các hành vi sai trái. Chúng tôi tin rằng vấn đề cần được giải quyết thông qua giải pháp hòa bình và cần đàm phán giữa các bên liên quan.

 

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin tại buổi họp báo.
Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin tại buổi họp báo.


Các bên có tuyên bố chủ quyền cần tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải. Nghị quyết đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua và sẽ được trình lên Thượng viện để xem xét thông qua sớm.


- Báo Wall Street Journal: Vấn đề này có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, thưa ông?


-  Hoa Kỳ và Việt Nam sắp tới sẽ kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao và chúng tôi đang tiến vào khuôn khổ đối tác chiến lược, thể hiện qua các cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nước. Có thể thấy đây là một con đường liên tục.


Hiện nay, chúng tôi đang làm việc về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi đã trao đổi với các đoàn đại biểu về chủ đề nhân quyền và quản trị tốt. Đây là con đường đang có nhiều tiến triển. Khi chúng ta có tiến bộ về kinh tế, chính trị, nhân quyền, quản trị tốt... chúng ta cũng đang tiến gần đến việc đạt các thỏa thuận về vấn đề an ninh ảnh hưởng đến cả hai nước, ví dụ như an ninh hàng hải.


Chúng tôi còn tiếp tục các thảo luận bàn về cách thức tăng cường quan hệ và mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Tôi muốn nhấn mạnh: về phía chúng tôi, khi thực hiện chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi mong thấy Việt Nam phát triển, vững mạnh. Chúng tôi tin rằng điều đó đóng góp vào ổn định của khu vực.


- Báo Vietnamnet: Trong chương trình ở Đối thoại Shangri-La, ông có ý định gặp gỡ phía Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề này không?


-  Tôi sẽ có cuộc gặp với người đại diện Trung Quốc và chúng tôi cùng tham gia phiên thảo luận. Hai chúng tôi sẽ có cuộc gặp riêng để nói về vấn đề an ninh.


Về chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, chúng tôi muốn tạo các mối quan hệ vững mạnh hơn ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc vững mạnh, độc lập. Tôi sẽ trao đổi với Trung Quốc để nói rằng họ cần xuống thang. Riêng về việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam, đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, đơn phương của Trung Quốc. Vụ việc này xảy ra cách giàn khoan nhiều dặm. Đó là hành vi nguy hiểm không thể chấp nhận được, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng.


Các bạn đã nghe nhiều lần rồi nhưng tôi vẫn nhấn mạnh: Hoa Kỳ không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ chống các hành vi đơn phương gây hấn. Các nước liên quan cần giải quyết những cá biệt trong tuyên bố chủ quyền qua các cơ chế hòa bình, cũng như cơ chế quốc tế để giảm căng thẳng thay vì leo thang.


- Báo Thanh Niên: Có nhiều ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là do họ muốn thử thách quan điểm của Hoa Kỳ. Ông có thể bình luận về ý kiến này?


- Tôi hiểu câu hỏi của anh nhưng tôi không phải là người theo sát vấn đề đó. Hoa Kỳ rất nhất quán trong việc chỉ trích hành vi đơn phương của Trung Quốc cũng như trong chính sách an ninh hàng hải. Sự nhất quán đó còn thể hiện ở những vấn đề không chỉ liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi nhất quán trong việc ủng hộ ASEAN tiến tới bộ Quy tắc ứng xử (COC). Chúng tôi cũng nhấn mạnh việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Chúng tôi luôn đóng vai trò tích cực ở mọi diễn đàn có thể.


- Báo DPA (Đức): Ông nghĩ cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông có đúng đắn không?


- Đối với các nước có tranh chấp, các nước cần giải quyết thông qua đối thoại và biện pháp ngoại giao thay vì sử dụng biện pháp đơn phương, gây hấn.


Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc và Việt Nam đối thoại với nhau. Mỗi nước có thể tìm đến cơ chế quốc tế nào đó mà họ thấy phù hợp để nêu vấn đề của mình.


- VnExpress: Xin cho biết bình luận của ông về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế?


- Chúng tôi có biết về việc họ di chuyển giàn khoan nhưng vẫn trong cùng khu vực. Tôi cũng biết vừa rồi tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm. Tình hình rất căng thẳng. Chúng tôi đã thúc giục Trung Quốc có hành động để giảm căng thẳng thay vì leo thang qua việc xuất hiện các tàu quân sự và can thiệp vào các hoạt động hàng hải.


Tôi cũng hiểu là các bạn quan tâm nhiều đến an ninh hàng hải, nhưng chuyến thăm của tôi cũng có nhiều nội dung thảo luận khác với phía Việt Nam. Trong đó có vấn đề quản trị tốt, thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị, nhân quyền... Tôi cũng đã nhấn mạnh rằng chúng tôi thấy tiến bộ ở trên các phương diện này. Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm tiến triển của Việt Nam trong các lĩnh vực đó. Về phía Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cập nhật với tôi về tiến trình thay đổi Hiến pháp, sửa đổi các luật liên quan, việc Việt Nam tiếp nhận các bất đồng về ý kiến một cách hòa bình.


Ngoài ra chúng tôi cũng bàn về chủ đề di sản chiến tranh, chẳng hạn như ô nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi cũng bàn về môi trường, cụ thể là biến đổi khí hậu toàn cầu. Chúng tôi đã có trao đổi trên bình diện rất rộng. Cả hai phía đều có ý chí tăng cường quan hệ giữa hai nước.


H.N (Tổng hợp)