10:05, 29/05/2014

Siết chặt kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước

Chiều 29/5, thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những hạn chế từ nhiều năm trước vẫn chưa được khắc phục, cần phải có chế tài xử lý mạnh, tránh tình trạng "hòa cả làng".

Chiều 29/5, thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những hạn chế từ nhiều năm trước vẫn chưa được khắc phục, cần phải có chế tài xử lý mạnh, tránh tình trạng “hòa cả làng”.


Theo báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Công tác quản lý thu thuế vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu NSNN toàn ngành thuế năm 2012 đạt 8,38%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (dưới 5%), trong đó có 12/19 tỉnh hụt thu năm 2012 có mức nợ thuế tăng trên 50% so với năm 2011. Trong khi đó, chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30% so với dự toán đầu năm. Chi đầu tư xây dựng cơ bản cũng thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều...
 

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: MH).
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: MH).


Thảo luận tại Hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Tại sao những hạn chế từ những năm trước chưa được khắc phục nghiêm túc? Trong đó, nhiều khoản thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán, chỉ đạt 74%-84%, trong đó cơ cấu ngành thu chưa hợp lý. Mặc dù thu từ doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, những biện pháp, xử lý đưa ra chưa thực sự đủ mạnh, thiếu sức răn đe, các bản kiểm toán đề nghị thu hồi chưa triệt để, nghiêm minh... “Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc, toàn diện, có những giải pháp mạnh mẽ hơn để xử lý tiêu cực triệt để hơn, đồng thời cần có giải pháp, chính sách khuyến khích, phát huy tính tích cực để động viên nguồn thu hợp lý hơn”, ĐB Khá nói.


Về chi NSNN năm 2012, ĐB Khá cũng cho rằng cần đánh giá đúng thực chất công tác chi thường xuyên năm 2012 là vượt dự toán, nhưng đáng lưu ý một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán Quốc hội quyết định làm ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế, gây lãng phí nguồn lực như chi cho giáo dục, dạy nghề, kinh tế, khoa học – công nghệ, dân số …. “Đây là hạn chế nhiều năm qua, là “bài ca muôn thuở” và sẽ kéo dài trong những năm tiếp theo, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời”, ĐB Khá nói.
"Tôi xin hỏi trách nhiệm này thuộc về ai? Kéo dài nhiều năm chưa hồi kết có nên quy trách nhiệm rõ ràng để xử lý không hay vẫn là “thành tích của tôi, khuyết điểm thuộc về chúng ta, trong đó có cả Quốc hội”, ĐB Khá đặt vấn đề.


Đồng quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng Chính phủ cần xem xét điều chỉnh các chính sách cho phù hợp điều kiện hiện nay. Quốc hội cũng cần xem xét để có chế tài cụ thể nếu có vi phạm trong thu, chi ngân sách. Ngoài điều chỉnh chính sách cho phù hợp, Quốc hội và Chính phủ phải có chủ trương tăng cường thực hành tiết kiệm, làm cho nguồn lực tránh bị lãng phí, đáp ứng yêu cầu của nhân dân cao hơn bởi lãng phí cần phải được quan tâm như tham nhũng, là vấn đề cử tri đang quan tâm và bức xúc.


ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cũng nêu vấn đề chi thường xuyên như giáo dục, y tế... giảm, trong khi chi hành chính lại tăng ở hầu hết địa phương… Những điều trên cho thấy chấp hành kỷ cương chưa nghiêm, đòi hỏi phải có phân tích thấu đáo. Theo ĐB Huệ, nguyên nhân do xử lý trách nhiệm còn chưa nghiêm túc, tình trạng “hòa cả làng” mà liên quan đến tài chính ngân sách thì rất nguy hiểm trong khi chưa thấy có báo cáo nào kiểm điểm xử lý trách nhiệm.


ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để không tái diễn tình trạng vi phạm về kỷ cương, kỷ luật nhưng vẫn được Quốc hội thông qua,  để Quốc hội không phải thông qua ngân sách mang tính “hình thức” thì cần giải quyết 4 vấn đề tồn tại: cơ chế ngân sách lồng ghép Ngân sách Trung ương và địa phương; Kỷ cương ngân sách; Quy trình lập ngân sách; Cơ chế giám sát. Đây là những vấn đề đại biểu bức xúc.


Từ phản ánh của cử tri, đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) nêu rõ thực tế năm nào cũng giao tăng thu ngân sách, đến cuối năm từ xã đến Trung ương đều hoan hỉ vượt thu ngân sách, song đại biểu Lê Nam nhận định, quản lý nguồn thu NSNN không tốt, chính sách với các đối tượng nộp thuế không ổn. Đại biểu Lê Nam cho biết, nhiều cử tri phàn nàn, “kinh doanh vẫn vậy, cái bàn, cái ghế không thay đổi mà sao năm nào cũng tăng thu”. Vì vậy cần đổi mới quyết liệt về cơ chế tài chính...


Theo Báo điện tử ĐCSVN