Lần sửa đổi này khá rộng, gồm bố cục, các điều khoản quan trọng như đối tượng áp dụng, ngành nghề kinh doanh...
Lần sửa đổi này khá rộng, gồm bố cục, các điều khoản quan trọng như đối tượng áp dụng, ngành nghề kinh doanh...
Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong thực tiễn.
Phải có trên 51% vốn đầu tư nước ngoài mới là DN FDI
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo dự thảo luật mới sẽ là doanh nghiệp có từ 51% trở lên vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Luật Đầu tư chỉ định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, với các nhà đầu tư nước ngoài có vốn 51% tức là họ có quyền chi phối.
Trao đổi với VOV.VN về nội dung này, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng: Không đáng lo ngại vì tỉ lệ đầu tư bao nhiêu thì đã có cơ cấu, đánh giá và phân tích. Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng thì tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Thêm nữa cũng đã chủ động bố trí nên không lo ngại sự chi phối, áp đảo nền kinh tế của chúng ta.
Trong đầu tư, tùy thuộc vào cơ cấu từng ngành khả năng kêu gọi đầu tư có những ngành phải huy động vốn, có ngành phải học trình độ quản lý, có ngành cần tiếp cận khoa học công nghệ của nước ngoài nên sẽ có những quy định tỉ lệ vốn sở hữu linh hoạt.
Cùng trao đổi về chủ đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề: “Chúng ta hãy nghĩ tới thái độ hân hoan khi xuất khẩu chiếm tới 60-70% của một nước nào đó. Rồi hân hoan khi thấy hàng của Việt Nam chiếm 12-15% thị phần của Mỹ như cá tra, cá basa. Tức là chúng ta không nên đặt vấn đề e ngại khi đang trong thế giới phẳng, một thế giới toàn cầu hóa. Anh chiếm được thị phần ở thị trường này thì người khác lại phải chiếm ở lĩnh vực khác của thị trường khác”.
Vấn đề quan trọng, theo ông Nguyễn Đức Kiên, là quyền lợi của người Việt Nam phải được đảm bảo, quyền lợi quốc gia cũng phải được đảm bảo. Không phải chúng ta thích làm gì thì áp đặt cái đó mà phải thể hiện đảm bảo tái đầu tư nguồn tài nguyên của đất nước và tích lũy để đất nước phát triển. Chúng ta không thể áp đặt theo ý muốn chủ quan.
Trong Luật sửa đổi lần này một điểm trọng tâm nữa là chúng ta xây dựng quy chế quản trị doanh nghiệp được linh hoạt hơn không bị phục thuộc vào cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp.
Luật này cũng đưa ra những biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ, tức là tránh tình trạng các nhà đầu tư vốn cao (70% hay 51%, 51% vốn thì được quyết) và như vậy những cổ đông 48% hay những cổ đông còn lại khác lại không có tiếng nói quyết định. Thì điều này cũng được quy định tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Nêu cụ thể các ngành, nghề cấm kinh doanh
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến cho rằng, quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp như dự án Luật là chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới lợi dụng hình thành doanh nghiệp để hoạt động phi pháp, khó kiểm soát, khó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thực tế hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp, không hẳn do quy định của Luật. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.
Một số ý kiến đề nghị giữ quy định ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Luật hiện hành để bảo đảm có đầy đủ thông tin, dữ liệu về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ sự quản lý nhà nước và định hướng phát triển nền kinh tế.
Đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cần quy định rõ hơn trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
Trước đó, chiều 27/5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.
Qua gần 14 năm thi hành, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã có tác động tích cực đối với đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hôn nhân và Gia đình đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc chung sống của những người đồng giới, vấn đề mang thai hộ và nhiều vấn đề khác cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa nêu rõ: “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có một tập quán riêng, đó là những quy tắc quy định xử sự của từng cộng đồng và những tập quán này mang tính ràng buộc. Cộng đồng rất cao đồng bào dân tộc thiểu số, coi những phong tục tập quán này không kém các quy định của pháp luật. Nếu thực hiện tốt các quy tắc xử sự mang tính tập quán này trong hôn nhân và gia đình, cũng là góp phần thực hiện tốt luật pháp của Nhà nước”.
Về quy định mang thai hộ, nhiều đại biểu nhận định thực tiễn trong xã hội, nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con và mong muốn quyền được làm cha mẹ. Mặc dù hiện nay ở nước ta có một số cơ sở y tế có thể thực hiện được kỹ thuật này, nhưng Dự thảo luật cần quy định chặt chẽ để tránh việc lợi dụng, thương mại hóa vấn đề này.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, đoàn Đắk Nông đề nghị: “Dự thảo mới đặt vấn đề chủ quan của những cặp vợ chồng mong muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống, nhưng lại nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết về người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chịu hậu quả pháp lý và xã hội chính là đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế đứa trẻ sinh ra không thể gọi người mang thai mình là người mang thai hộ mà phải gọi là mẹ? Như vậy trong hồ sơ pháp lý cá nhân, phần khai về người mẹ là mẹ ruột, mẹ nuôi còn có thêm mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này rất khó xử lý và suy cho cùng là không mang lại ý nghĩa tích cực, ít nhất là trong tình hình kinh tế xã hội như hiện nay”.
Về quan hệ giữa vợ và chồng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu và đại biểu Khúc Thị Duyền đoàn Thái Bình cho rằng: Việc ghi nhận quyền ly thân và chế độ tài sản theo thỏa thuận là những dự liệu phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình. Đây là một bước tiến mới trong việc ghi nhận và bảo đảm các quyền về nhân thân và tài sản của mỗi bên vợ chồng. Tuy nhiên, để Dự án Luật hoàn thiện hơn, Ban soạn thảo cần phải xem xét và chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp.
Theo VOV