Việc quy định bến dân sinh phải đăng ký xin phép là khó khả thi, đại biểu Trương Minh Hoàng góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Việc quy định bến dân sinh phải đăng ký xin phép là khó khả thi, đại biểu Trương Minh Hoàng góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Trong phiên thảo luận sáng nay (21/5), đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, việc quy định bến dân sinh phải đăng ký xin phép (nêu tại điểm a Điều 13) là khó khả thi nếu đưa vào thực hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đơn cử như ở Cà Mau, 60% người dân sống trên ghe, mỗi gia đình có một bến, nếu quy định phải được cấp phép sẽ khó cho người dân; ngay cả cơ quan có thẩm quyền cũng khó kiểm tra, kiểm soát, như vậy luật không có giá trị.
Góp ý với dự thảo đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long), Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) đề nghị nên giới hạn tuổi đối với người lái phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ, cụ thể là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam để đảm bảo an toàn.
Cũng về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng quy định này cần phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Chính phủ chưa tiến hành việc nghiên cứu, đánh giá, do đó, trước mắt cần giữ nguyên độ tuổi như quy định tại Điều 35 của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004.
Trong phiên thảo luận sáng nay, mặc dù còn một số nội dung chưa thống nhất, nhưng đa số đại biểu nhất trí về phạm vi điều chỉnh và quy định áp dụng pháp luật cần phải có đối với một số hoạt động giao thông đường thuỷ tại các vùng nước không phải đường thủy nội địa.
Các đại biểu cũng đề nghị cần chỉnh sửa lại các khái niệm “đường thủy nội địa”, “luồng chạy tàu” để điều chỉnh một số hoạt động giao thông đường thuỷ tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa”.
Lý do là phần mặt nước ven bờ từ giới hạn hành lang bảo vệ luồng đến mép bờ không được coi là đường thuỷ nội địa, nhưng lại được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường thủy nội địa là mâu thuẫn với tên gọi của Luật và có nội hàm không thống nhất với nội dung về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004.
Về quản lý luồng, tuyến, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định các tuyến đường thủy ven bờ biển, từ bờ ra đảo, nối các đảo. Theo các đại biểu, quy định các tuyến đường thuỷ nội địa cần thống nhất với quy định của Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam.
Về quy định tìm kiếm cứu nạn cứu hộ giao thông thuỷ nội địa, đa số các đại biểu nhất trí các quy định trong dự thảo và đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của tổ chức và cá nhân khi có tai nạn và sự cố xảy ra trên đường thuỷ nội địa.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát các quỵ định về tín hiệu đèn báo, tín hiệu giao thông đường thuỷ, trách nhiệm mua bảo hiểm dân sự, về quy định thuê phương tiện… trong đó có việc nghiên cứu mở rộng độ tuổi của thuyền viên. Các đại biểu cũng đề xuất mở rộng các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động giao thông thuỷ nội địa; quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động giao thông thuỷ nội địa...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo Tờ trình của Chính phủ, để thi hành Hiến pháp sửa đổi cần ưu tiên bổ sung vào Chương trình năm 2014 các dự án luật về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan. Năm 2015 tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, nhất là về thể chế kinh tế, quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề xuất Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến khoảng 10 đến 15 ngày vào cuối tháng 7/2015. Theo phương án này, Chính phủ đề xuất 38 dự án và pháp lệnh. Phương án 2 là Quốc hội chỉ họp 2 kỳ như hiện nay. Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng 34 dự án và pháp lệnh.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với việc cần thiết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội cho phù hợp với Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 điều chỉnh theo hướng ưu tiên các dự án luật như Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương và các dự án luật liên quan tới các thể chế kinh tế, quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, các Bộ, ngành, Chính phủ cần chú trọng tới chất lượng các dự án Luật, ưu tiên các dự án Luật thực sự cần thiết đáp ứng tình hình mới như Luật ngân sách, Luật biểu tình, tránh việc đưa vào chương trình xây dựng luật rồi rút ra gây tốn kém về tài chính và phá vỡ kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Một số đai biểu đề nghị cần có đánh giá về chất lượng xây dựng luật của các bộ, ngành, cũng như quy định trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị trong xây dựng luật.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân, (đoàn Hải Phòng) đội ngũ làm công tác xây dựng luật cũng còn yếu khiến cho chất lượng các dự án luật chưa đạt. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị giao cho Viện nghiên cứu Lập pháp nghiên cứu một chương trình căn bản, có thể tới khóa 14 áp dụng về khuôn mẫu đạo luật, kết cấu nội dung tổng thể, yêu cầu đặt ra cho các đạo luật, cũng như quy phạm pháp luật như thế nào để có định dạng chung cho các cơ quan soạn thảo.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Theo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 nhận định, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không nói riêng và của đất nước nói chung, khẳng định vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng không; là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống tổ chức của hoạt động hàng không dân dụng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể về vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không; quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung...
Tại phiên thảo luận chiều nay, đa số các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tính phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và cho rằng dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ và rõ ràng về hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; quản lý giá và các dịch vụ chuyên ngành hàng không. Vấn đề về an ninh hàng không, quản lý hoạt động bay, vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ cũng được các đại biểu đề cập.
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật hàng không dân dụng lần này nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Để đạt được mục tiêu đó cần xác định rõ vai trò, yêu cầu phát triển hàng không dân dụng trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không dân dụng; xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động hàng không dân dụng.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần xem xét các điều khoản cho phù hợp với các điều ước quốc tế;các điều ước quốc tế đang trong quá trình nghiên cứu, triển khai gia nhập, như Công ước và Nghị định thư Cape Town, Công ước Môntrêan 1999.
Ngày 22/5, theo chương trình, buổi sáng Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Theo chinhphu.vn và website ĐCSVN