Về hành vi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí bên lề buổi thảo luận tổ Quốc hội, sáng 27-5.
Về hành vi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí bên lề buổi thảo luận tổ Quốc hội, sáng 27-5.
- Ông đánh giá thế nào về những hành động dồn dập của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép?
- Rõ ràng phía Trung Quốc đã mở rộng phạm vi bảo vệ giàn khoan. Khi thấy Việt Nam ép sát bằng tàu cá nên họ cố tình làm căng thẳng thêm tình hình bằng va chạm mức độ, mục đích cốt làm ngư dân sợ. Nhưng tôi chắc rằng không vì thế mà ngư dân mình sợ hãi, dù 10 người chìm theo tàu nhưng không một ai tử nạn. Điều này đã được ngư dân lường trước và chủ động tình thế. Riêng vụ việc tàu cá Quảng Nam bị đâm chìm chiều 26-5, chúng ta đã ngay lập tức có tiếng nói đấu tranh ngoại giao phản đối.
- Về khía cạnh pháp luật, Việt Nam có tiến hành đòi bồi thường không, thưa ông?
- Trước hết chúng ta lên án qua con đường ngoại giao. Vụ đâm chìm hôm 26-5 chưa biết là tàu cá của họ hay không phải tàu cá, nhưng đó là lực lượng đi bảo vệ giàn khoan. Hành vi đâm chìm tàu cá của dân thì ở mức thấp nhất có thể gọi đó là khủng bố. Đó là hành vi hại người, rất may chưa có thương tổn nào về người.
Từ trước tới nay chúng ta vẫn yêu cầu bồi thường, lúc nào họ chưa bồi thường thì Việt Nam vẫn còn tiếp tục yêu cầu. Hiện chưa có trọng tài nào đứng ra xử lý việc đụng độ trên biển. Vì thế trước mắt chúng ta phản đối quyết liệt việc họ cố tình đâm chìm tàu cá, buộc họ phải bồi thường.
- Đã có nhiều đề xuất hỗ trợ ngư dân, chỉ còn đợi tiếng nói từ Quốc hội, như đề nghị lấy khoản tiết kiệm 35.000 tỉ đồng của Bộ Giao thông vận tải và khoản giảm thu, bội chi. Ông nghĩ sao về điều này?
- Ngân sách 2014 không thấy Chính phủ đề xuất phương án chi hỗ trợ đóng tàu ngư dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã có chủ trương thì cần có khoản lớn hơn chứ nhỏ thế không giải quyết được gốc rễ. Cá nhân tôi ủng hộ việc đề xuất hỗ trợ kịp thời ngư dân, nhưng còn chờ ý kiến các đại biểu thảo luận tại hội trường, từ đó Chính phủ có thể xem xét đề nghị, xem cắt chỗ nào, chi chỗ nào. Cái khó hiện nay là kinh tế cũng bị ảnh hưởng, từ đây đến cuối năm chưa rõ hụt thu bao nhiêu. Mong muốn thì nhiều, nhưng chi như thế nào thì cần tính toán vì nguồn lực có hạn.
- Theo ông, ngoài hỗ trợ cho ngư dân thì còn cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên biển?
- Chúng ta không chỉ cần đóng tàu vỏ sắt mà còn cần đến dầu, phương tiện đánh bắt, đảm bảo tính mạng cả hệ thống thông tin, tổ chức tổ đội, bộ phận hỗ trợ. Có tàu mà không tổ chức tốt thì vẫn nguy hiểm. Vì thế lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển phải có kế hoạch bảo vệ chặt. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ mỗi tàu sắt mà còn nhiều mũi biên giới, nội địa.
- Xin cảm ơn ông!
H.N (Tổng hợp)