Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Phá sản (sửa đổi) cần quy định rõ hơn quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn; các căn cứ để quyết định mở thủ tục phá sản; tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Phá sản (sửa đổi) cần quy định rõ hơn quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn; các căn cứ để quyết định mở thủ tục phá sản; tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 26/5, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Luật cần làm rõ khái niệm "Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản" của người lao động và công đoàn. Cụ thể, cá nhân người lao động có quyền nộp đơn hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỷ lệ nhất định.
Theo các đại biểu, nếu quy định như luật hiện hành (nghĩa là cá nhân người lao động có quyền nộp đơn) thì sẽ khó phân biệt và khó tránh được sự lạm dụng giữa trường hợp tranh chấp về tiền lương giữa doanh nghiệp và cá nhân người lao động khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Còn nếu quy định đây là quyền của tập thể người lao động thì cần phải quy định về trình tự thủ tục cử đại diện như quy định của luật hiện hành.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An) đề nghị xem xét lại việc quy định nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và kiến nghị nên trao quyền quy định mẫu đơn cho Tòa án nhân dân và trong mẫu đơn có phần chỉ định quản tài viên (người hành nghề quản lý thanh lý tài sản trong quá trình phá sản) để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Dự thảo có quy định cho phép người nộp đơn đề nghị chỉ định quản tài viên và khi Tòa án chỉ định quản tài viên phải căn cứ vào đề nghị này song không nhất thiết Tòa án phải chọn quản tài viên do người nộp đơn đề nghị.
Về căn cứ để ra quyết định mở thủ tục phá sản (Điều 42), đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng cần tính toán phù hợp khi Dự thảo quy định một trong các căn cứ là doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán.
“Việc không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán nợ thể hiện ý thức, thái độ chủ quan không chịu thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, của hợp tác xã. Điều này khác hẳn với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị rơi vào tình trạng không thể thanh toán được khoản nợ đến hạn để bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Cho nên, không thể chọn chung một cách ứng xử của Nhà nước, của pháp luật đối với cả 2 trường hợp này”, đại biểu Dương Hoàng Hương nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) tán thành tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ trong thời hạn 6 tháng.
Đa số các đại biểu đồng tình với việc Dự thảo đã trao cho cả Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá sản, với các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, theo các đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cần xem xét lại Khoản 1, Điểm đ, Điều 8 liên quan đến việc Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền lấy các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện lên giải quyết. Bởi đây chỉ là những trường hợp hãn hữu khi gặp những trường hợp tình tiết mới phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh hoặc trường hợp phức tạp mà Tòa án cấp huyện không thể giải quyết được.
Vì vậy, các đại biểu này đề nghị quy định ngay trong luật những trường hợp Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền lấy các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện lên giải quyết, cũng như tính đến trường hợp khi Tòa án khu vực được thành lập và đi vào hoạt động.
Theo chinhphu.vn