Trong chuyến công tác ra Trường Sa mới đây, chúng tôi 2 lần được chứng kiến lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1. Buổi lễ tưởng niệm nào cũng thiêng liêng và xúc động…
Trong chuyến công tác ra Trường Sa mới đây, chúng tôi 2 lần được chứng kiến lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1. Buổi lễ tưởng niệm nào cũng thiêng liêng và xúc động…
Một buổi chiều tháng 5, tàu Hải quân 996 thả neo tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Những con sóng êm êm như lắng nghe lời thì thầm của biển kể về bản hùng ca bất tử của các anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống vì biển đảo thân yêu. Không gian tĩnh lặng, con tàu như chìm vào màn sương khói của tâm tưởng, chỉ còn nghe giọng nói đều đều đầy xúc động của Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa, Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân trong điếu văn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền đất nước…
Cách đây 26 năm, tại vùng biển này - ngày 14-3-1988, tàu nước ngoài bất ngờ tấn công, bắn chìm, cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó đã xuất hiện những tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước của cán bộ, thủy thủ các tàu: HQ 505, 604, 605 và đoàn Công binh 83 Hải Quân… Các anh đã dũng cảm ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo Việt Nam đến hơi thở cuối cùng. Đó là những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ: Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604; Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù, các anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội, bảo vệ tàu. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang cuốn lá cờ Tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội không được lùi bước và thét to: “Hãy để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng Hải quân”. Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế áp đảo của địch chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu 505 vừa chiến đấu, vừa lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền. Gương hy sinh của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã trở thành bất tử. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại, hòa mình vào sóng nước biển đảo quê hương…
Lần tưởng niệm thứ 2 tại Nhà giàn Phúc Tần cũng không kém phần xúc động. Hôm ấy, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng quân chủng Hải quân đọc điếu văn. Gần 25 năm đã trôi qua, kể từ khi Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học kỹ thuật - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là Lữ đoàn 171 đã gác lại tình cảm riêng tư để làm việc trên các nhà giàn, thuộc thềm lục địa phía Nam Tổ quốc với muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt. Trong quá trình bảo vệ chủ quyền đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh như: Trung úy Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng, Thượng úy Trần Hữu Quảng, Nhà giàn DK 1 Phúc Tần... để lại niềm tiếc thương vô hạn trong cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào cả nước.
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển Gạc Ma, tháng 5-2014. |
Trong dòng người thành kính dâng hương các anh hùng liệt sĩ, chị Tôn Nữ Thanh Bình, Hội Nhà báo Khánh Hòa xúc động: “Đây là lần thứ 3 tôi ra Trường Sa nhưng cứ mỗi lần dự lễ tưởng niệm, thả hoa trên biển, tưởng nhớ các anh, tôi lại không cầm được nước mắt...”. Cô giáo Vương Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Chân, Hải Phòng cũng không nén được xúc động: “Các anh đã hiến dâng mình cho Tổ quốc khi tuổi đời còn quá trẻ, thậm chí có người còn chưa có người yêu. Tôi thật sự cảm phục các anh…”.
Đã có nhiều lễ tưởng niệm các anh linh anh hùng liệt sĩ được tổ chức tại 2 vùng biển Gạc Ma và nhà giàn DK1. Mỗi lần như vậy đều để lại nỗi tiếc thương vô hạn và niềm xúc động dâng trào trong lòng mỗi người. Một đồng nghiệp của tôi tại Đài Phát thanh truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, anh đã 3 lần dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển Gạc Ma, lần nào trời cũng đổ mưa. Riêng lần này có chú chim hải âu nhỏ xinh bay liệng 3 vòng trước khi mất hút giữa biển trời xanh biếc. Phải chăng các anh dù đã ra đi nhưng vẫn linh thiêng dõi theo mỗi bước đi của Tổ quốc, để phù hộ cho đất nước này mãi mãi bình yên...
Phú Lâm