Ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi Khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi Khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Về dự án Luật sửa đổi Khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam, Chính phủ đề xuất gia hạn thêm 5 năm (tới năm 2019) thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trước đó, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã bổ sung quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2009), phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.”
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có trên 6.000 người thực hiện thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này thì thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2014, trong khi đó theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch.
Như vậy, sau ngày 1/7 tới, rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến công tác vận động, bảo hộ của Nhà nước ta đối với cộng đồng này.
Do vậy, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Đề xuất của Chính phủ cũng nhận được sự đồng tình từ UBTVQH. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên nhân khiến việc thực hiện quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời gian qua của kiều bào chưa đạt kết quả cao. Trên cơ sở đó đề ra được giải pháp xử lý trong thời gian tới.
UBTVQH cho rằng, để quy định đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả, phải tiến hành sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, thông tin đến được với đông đảo người dân về quy định này.
* Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Theo UBTVQH, việc sửa Luật nhằm đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp mới, thể chế hóa những đổi mới hoạt động đã mang lại hiệu quả của Quốc hội trong thời gian qua, khẳng định cụ thể vai trò của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, đại biểu Quốc hội.
Điểm đáng chú ý dự án Luật này xác định đại biểu Quốc hội giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Theo đó, quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% (hiện nay đang là 30% tương ứng với 150 đại biểu Quốc hội chuyên trách) tổng số đại biểu Quốc hội; quy định cụ thể về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, có cơ chế thu hút những người đủ đức, đủ tài làm đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật cũng quy định rõ hơn địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung cũng như của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương.
Đồng tình với quy định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải xác định rõ, đầy đủ chức năng của đại biểu Quốc hội theo các nội dung mà Hiến pháp đề cập đến. Phân tích ý này, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu quy định đại biểu không chuyên trách thì có quyền ưu tiên gì trong quá trình vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và khi thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội vẫn phải được đặt lên đầu.
Theo chinhphu.vn