10:05, 26/05/2014

Chính phủ đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng

Chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội - (sửa đổi).

Chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội - BHXH - (sửa đổi).


Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH trình sửa luật ở nhiều điểm, trong đó có việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp; mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Về nguyên tắc BHXH, sửa đổi mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng bỏ quy định mức thu thập không thấp hơn mức lương tối thiểu chung nhằm hạ mức sàn đóng BHXH tự nguyện để tạo điều kiện có nhiều người hơn có khả năng tham gia. Về chế độ thai sản, bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật.
Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại. Cụ thể như sau, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.


Luật cũng sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng: đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; đối với người có đủ mười lăm năm trở lên (trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời. Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, sửa đổi theo hướng đối với người tham gia BHXH từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo BHXH vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.


Trước đó, trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).


H.N (Tổng hợp)