Chiều 20/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Chiều 20/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3411 cắt mũi tàu Cảnh sát biển 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam lúc 8 giờ 30 ngày 16/5. (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN) |
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trao đổi bên lề phiên họp.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Đến nay, đã có khoảng 20 cuộc giao thiệp giữa hai bên.
Kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó là lập trường kiên quyết của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, đến nay Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường lượng tàu ở khu vực xung quanh giành khoan. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan về.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thực hiện mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh nhiệm vụ cao nhất của Việt Nam hiện nay là xây dựng kinh tế đất nước vững mạnh và bảo vệ chủ quyền. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, tất cả các đại biểu Quốc hội cũng như bản thân bà đều mong muốn tìm ra các biện pháp để bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước.
Đánh giá cao tinh thần của các ngư dân, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển trong thời gian qua đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Bùi Thị An cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ đặc biệt, kể cả điều kiện về kinh tế, trang thiết bị, phương tiện để có thể bảo vệ, bảo đảm các điều kiện để các lực lượng này có thể hoạt động bảo vệ chủ quyền.
Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cho rằng truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay đã tạo lên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó là nguyên nhân thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, mỗi người Việt Nam đều tự thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ ngư dân làm giàu từ biển và bám biển để đánh bắt ngư trồng thủy hải sản, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên ) cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ được trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học một trong những chính sách được ngư dân quan tâm hiện nay là vấn đề vốn. Chính phủ cần có những gói vốn hỗ trợ về thời hạn cho vay dài hoặc mức lãi suất thấp; tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trang bị tàu thuyền chắc chắn để ra khơi; hỗ trợ ngư dân các phương tiện máy móc hiện đại để ngư dân bám biển ở ngư trường xa.
Trong điều kiện hiện nay, khi các thế lực đang khiêu khích, chống phá, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ cảm thấy yên tâm, tin tưởng để chủ động ra khơi.
Theo TTXVN