Đảm bảo an ninh trật tự; không để dịch chồng dịch; giải thể công ty lâm nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tạo thuận lợi cho các nhà khoa học và công nghệ phát huy tài năng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-16/5/2014.
Đảm bảo an ninh trật tự; không để dịch chồng dịch; giải thể công ty lâm nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tạo thuận lợi cho các nhà khoa học và công nghệ phát huy tài năng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-16/5/2014.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Bộ Công an; các bộ, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo an ninh trật tự.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, các bộ, các cơ quan của Trung ương và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật. Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuyên truyền vận động nhân dân không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế...
Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.
Một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động là hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm hài hòa, đồng bộ với Chương trình hành động về hội nhập quốc tế; Cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và hợp tác công – tư; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, quản lý chặt chẽ nợ công...
Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, Chương trình nêu rõ, cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển và an ninh của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích trên các lĩnh vực.
Về nội dung hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, sẽ xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng đến năm 2020, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế quốc tế của đất nước nhằm góp phần xây dựng quân đội từng bước hiện đại và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tạo thuận lợi cho các nhà khoa học và công nghệ phát huy tài năng
Xét đặc cách tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh khoa học, công nghệ; nâng lương vượt bậc cho các cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN); đảm bảo các điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, phòng thí nghiệm; hỗ trợ chi phí công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài...
Đó là một số ưu đãi được quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN.
Nghị định nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động KH&CN phát huy tối đa năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động KH&CN...
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình về kết cấu hạ tầng thương mại điện tử là xây dựng được hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, đặc biệt loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C); thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.
Về môi trường ứng dụng thương mại điện tử, mục tiêu đặt ra là mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Giải thể công ty lâm nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Một trong những nội dung chính của Chương trình, kế hoạch là tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phù hợp với phương hướng được sắp xếp; tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính đã được xác định. Các công ty tiếp tục duy trì phát triển phải đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; giải thể các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, quy mô nhỏ không cần thiết giữ lại.
Thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo điều hành giá có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quyết định các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.
Ban Chỉ đạo còn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khi được Thủ tướng Chính phủ giao...
Đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GTVT và một số địa phương bảo đảm tiến độ GPMB các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ.
Cụ thể, 6 tỉnh cần hoàn thành trong tháng 5/2014, gồm: Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Hậu Giang, Đắk Lắk; 5 tỉnh hoàn thành trong tháng 6/2014, gồm: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Không để dịch chồng dịch
Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 200/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi và các dịch bệnh mới nổi.
Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng yêu cầu đối với dịch bệnh mới phát sinh hoặc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, Bộ Y tế chủ động theo dõi sát tình hình, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng và cảnh báo kịp thời để người dân, các cơ quan liên quan và các cấp chính quyền chủ động, tích cực, kiên quyết ngay từ đầu trong việc phòng, chống dịch, hạn chế tối đa hậu quả có thể xảy ra.
Bộ Y tế cần phát huy kinh nghiệm trong công tác phòng, chống SARS và những bài học trong công tác phòng, chống dịch sởi vừa qua cho công tác phòng, chống dịch; quyết liệt chủ động triển khai các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ không để dịch chồng dịch, hạn chế thấp nhất tử vong, đặc biệt cần thông tin kịp thời, trung thực về dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch.
Theo chinhphu.vn