Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 30/5, thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 30/5, thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật Hải quan (sửa đổi) gồm có 8 Chương, 104 Điều, quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan.
Hải quan Quảng Ninh phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm tra các phương tiện, hàng hóa trên khu vực sông Ka Long. (Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh.vn) |
Thảo luận về địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7), một số đại biểu tán thành với quy định về địa bàn hoạt động hải quan như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc quy định địa bàn hoạt động hải quan trên các vùng biển Việt Nam, vì cho rằng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ có thể kiểm soát trong vùng nội thủy, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, theo quy định của Luật Biển Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên thì ngoài vùng nội thủy, vùng lãnh hải, Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế tại vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, nếu trong các vùng biển này xuất hiện yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cần phải giao cho cơ quan hải quan thực hiện. Đây là thực tiễn đang diễn ra tại một số địa điểm trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, như địa điểm khai thác dầu khí, xuất khẩu dầu thô... Quy định này cũng là kế thừa quy định của Luật Hải quan hiện hành.
Như vậy, dự thảo Luật quy định việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm cả các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam (khoản 2 Điều 7) là bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như trong dự thảo Luật.
Về phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 87), qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi hoạt động của cơ quan Hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế... nếu không quy định lực lượng Hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội.
Đại biểu Võ Trọng Việt (Kon Tum) cho rằng: Nếu không trao quyền truy đuổi cho lực lượng hải quan thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Nếu Luật không cho phép hải quan trang bị những công cụ hỗ trợ tương ứng thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu Việt đề nghị cần giao quyền truy đuổi cho lực lượng hải quan, còn quy trình xử lý thì đã có luật pháp quy định, do đó không sợ hải quan thực hiện quá quyền hạn.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng tán thành quy định cán bộ Hải quan được bắt giữ người có hành vi phạm tội trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đại biểu Luật, cần phải có quy định để đẩy mạnh nghiệp vụ trinh sát của hải quan. “Nghiệp vụ thu thuế hải quan sẽ giảm dần, do đó, nhiệm vụ chính sẽ là chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép. Do vậy, nghiệp vụ trinh sát cần phải quan tâm hơn” – đại biểu Luật nhấn mạnh.
Đề nghị quy định cụ thể hơn về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) cho rằng: Cần bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý hàng tồn đọng không còn giá trị sử dụng, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức đề nghị: Cần rà soát cả hàng độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, những hàng không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế. Đồng thời, quy định rõ cơ chế phối hợp giữa hải quan với chính quyền địa phương trong xử lý tình huống này và đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi không chấp hành quy định trên.
Ngoài những nội dung trên, một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần quy định nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập cảnh; đề nghị làm rõ thêm trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và cơ quan hải quan trong thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, dự án Luật cũng cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hạn chế thấp nhất quy định còn mang tính luật khung và cần quy định rõ trách nhiệm của một số chủ thể trong dự án Luật này. Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo Báo điện tử ĐCSVN