08:04, 13/04/2014

Quyết định chủ trương đầu tư sai phải bồi thường thiệt hại và xử lý theo pháp luật

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công.


Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Trình dự án Luật này tại Hội nghị chuyên trách, Ủy ban Kinh tế cho biết, còn 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau gồm: khái niệm về “đầu tư công”; khái niệm “dự án đầu tư công”; về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; về kế hoạch đầu tư trung hạn; về công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công.


Góp ý về dự thảo Luật này, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều là việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư; việc xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công.


Theo Ủy ban Kinh tế, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự thảo Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Dự thảo Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, ổn định của hệ thống pháp luật, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đã được tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện tại Điều 17 của dự thảo Luật, thẩm quyền quyết định đầu tư được thể hiện tại Điều 38 của dự thảo Luật.


Về quy định xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công, đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, quyết định chủ trương đầu tư sai là gốc của thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Vì thế, đề xuất đầu tư sai thì phải xử lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất chủ trương đầu tư chưa chặt chẽ. ĐB đề xuất, nếu quyết định chủ trương đầu tư sai thì phải bồi thường thiệt hại và phải xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.


ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cần phải phân định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư và quyết dự án cụ thể.


Góp ý tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công; đồng thời quy định giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư công ở phạm vi, mức độ phù hợp. Đại biểu Ngô Văn Minh phát biểu: “Tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ và tốt hơn nữa, không chỉ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà cả các tổ chức chính trị xã hội khác, Hội cựu chiến binh chẳng hạn, cũng làm rất tốt việc này. Để thực hiện chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư, tôi đề nghị xây dựng cơ chế lấy ý kiến của nhân dân”.


Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định dự án là hai chuyện khác nhau. Trong đó, quyết chủ trương đầu tư là cơ quan dân cử, quyết dự án là Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh...


Theo Chủ tịch Quốc hội, không phải tất cả các công trình đều đưa ra Quốc hội và Hội đồng nhân dân quyết, mà Quốc hội chỉ quyết chủ trương các công trình, dự án đặc biệt quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Vì thế tiêu chí của dự án đưa ra Quốc hội quyết chủ trương đầu tư là phải rõ trong luật. “Việc Quốc hội có quyết định cho chủ trương đầu tư hay không phụ thuộc vào cơ sở khoa học của dự án và thông qua thảo luận tại Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.


Theo Báo điện tử ĐCSVN