Chiều 10-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.
Chiều 10-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.
Một khu đô thị vừa được hoàn thành trên địa bàn Hà Nội Ảnh minh họa. Nguồn: dddn |
Góp ý về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách bày tỏ quan tâm đến các quy định về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; về quy hoạch xây dựng; dự án đầu tư xây dựng; về cấp giấy phép xây dựng...
Liên quan đến quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp lý trong quản lý. Trên thực tế, không thể tiến hành đầu tư xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch. Quy hoạch là tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến xây dựng.
Quan điểm này của UBTVQH nhận được sự đồng tình cao của các vị ĐBQH chuyên trách. Nhiều ý kiến của các đại biểu chuyên trách cũng cho rằng, trong tương lai cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quy hoạch để điều chỉnh tổng thể các loại quy hoạch khác nhau, trong đó có đạo luật riêng về quy hoạch xây dựng. Để xây dựng một đạo luật mới về quy hoạch thì cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về quy hoạch nên trước mắt, việc quy định về quy hoạch xây dựng vùng, khu chức năng đặc thù và nông thôn trong dự thảo Luật là cần thiết; còn nội dung quy hoạch đô thị được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch đô thị.
ĐB Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) cũng bày tỏ: “Tôi tán thành giữ nguyên nội dung quy hoạch trong xây dựng, khắc phục tình trạng khoảng trống. Đây là cơ hội để chúng ta chuyển toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng sang quy hoạch đô thị.”
Tuy nhiên, ĐB đề nghị xem lại thời hạn rà soát quy hoạch chi tiết. Bởi theo ĐB, quy hoạch chi tiết mất thời gian, quan trọng và là cơ sở để cấp phép xây dựng nhưng dự thảo luật quy định thời hạn rà soát định kỳ với quy hoạch chi tiết xây dựng chỉ 3 năm là ít, đề nghị phải quy định ít nhất là 5 năm.
Về cấp giấy phép xây dựng, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về điều kiện cấp giấy phép đối với công trình, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, ngoài đô thị, nông thôn (Điều 91, Điều 92, Điều 93); giấy phép xây dựng tạm (Điều 94). Theo ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dù hiện nay đã có quy định cấp phép nhưng nhiều nơi vẫn xây dựng hỗn loạn vì vậy nếu bỏ quy định này trong dự thảo Luật thì sẽ xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cần quy định việc cấp giấy phép theo hướng thủ tục gọn nhẹ, coi trọng cải cách hành chính.
Một nội dung khác của dự thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH chuyên trách là quy định về thẩm định dự án xây dựng. Theo các ĐB, đây là nội dung rất quan trọng đối với dự án đầu tư xây dựng; là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố quyết định tính khả thi, hiệu quả dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, mất an toàn cho cộng đồng. Do đó, việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở các cấp phải kiểm soát chặt chẽ thiết kế cơ sở là hết sức cần thiết.
Theo Báo điện tử ĐCSVN