04:04, 12/04/2014

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5 - 11-4

Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lương giúp việc gia đình không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5 – 11-4-2014.

Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lương giúp việc gia đình không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5 – 11-4-2014.


Tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao


Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.


Theo đó, để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử...


Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp…


Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng phải thường xuyên, liên tục


Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.


Nghị định nêu rõ, nguyên tắc thanh tra, giám sát ngân hàng phải bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương; tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục…


Hoạt động thanh tra ngân hàng sẽ bao gồm thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định khác của pháp luật có liên quan, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng; xem xét, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, chất lượng và hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả việc nhận dạng rủi ro, đo lường rủi ro, giám sát rủi ro, kiểm soát và giảm thiểu, xử lý rủi ro thông qua việc xem xét các yếu tố tác động đến an toàn hoạt động, chất lượng, hiệu quả quản trị rủi ro, khả năng chống đỡ rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...


Cùng với đó, hoạt động giám sát ngân hàng cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua giám sát an toàn vĩ mô, giám sát an toàn vi mô và sử dụng các phương pháp, tiêu chuẩn, công cụ giám sát và hệ thống thông tin, báo cáo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.


Lương giúp việc gia đình không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng


Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó quy định về tiền lương, BHXH, BHYT đối với người giúp việc gia đình.


Cụ thể, mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động...


 Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo Nghị định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm…


Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh


Chính phủ ban hành Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở).


Nghị định quy định: Sở là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.


Cơ cấu tổ chức của sở thuộc UBND cấp tỉnh gồm có: Văn phòng; thanh tra; phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục; đơn vị sự nghiệp công lập. Các Sở không nhất thiết phải có cơ quan thanh tra, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng Văn phòng UBND cấp tỉnh có Cổng Thông tin điện tử.


Nghị định quy định 17 sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Bên cạnh đó còn có các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch Kiến trúc.


Ngoài 3 sở đặc thù trên, Nghị định 24/2014/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.


Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam


Chính phủ đã ban hành Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Theo đó, VRG là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước quyết định đầu tư thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ này. VRG chịu sự quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật.


Vốn điều lệ của VRG thời điểm 31/12/2011 là 26.166.499.100.000 đồng. Nhà nước là chủ sở hữu đối với VRG. Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với VRG...


Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện


Theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ 1/6/2014 thì giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chỉ gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.


Tỷ lệ % giá bán lẻ điện sinh hoạt so với mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể như sau: Điện sinh hoạt từ 0-50 kWh tỷ lệ là 92%; từ 51 - 100 kWh tỷ lệ này là 95%; từ 101 – 200 kWh là 110% (hiện khoảng này được chia thành hai nấc, từ 101 - 150 kWh và 151-200 kWh); từ 201-300 kWh là 138%.


Ngoài ra, trong bảng giá cho điện sinh hoạt, khi khách hàng sử dụng từ 301 – 400 kWh thì mức tính từ 1/6 chỉ bằng 154% giá điện bình quân, giảm so với tỉ lệ 155% như hiện nay. Từ trên 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt vẫn là 159%.


Giá bán lẻ điện cho sản xuất cũng được điều chỉnh. Nếu hiện nay nhóm giá bán lẻ điện cho sản xuất được tách thành 2 nhóm: các ngành sản xuất và bơm nước tưới tiêu thì Quyết định 28/2014/QĐ-TTg chỉ quy định chung một nhóm giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất với mức giá bán tăng 1% đối với giờ thấp điểm.


Bên cạnh đó, Quyết định mới cũng quy định giá bán điện cho chiếu sáng công cộng và đơn vị hành chính sự nghiệp chung một mức giá. Cụ thể, đối với cấp điện áp từ 6kV trở lên là 99% giá điện bình quân; cấp điện áp dưới 6kV là 103% giá điện bình quân.


Giá bán lẻ điện cho kinh doanh cũng giảm 5% so với hiện nay đối với giờ bình thường, giảm 3% đối với giờ thấp điểm và 8% đối với giờ cao điểm cho cấp điện áp từ 6-22 kV còn 9% đối với giờ cao điểm cho cấp điện áp dưới 6 kV.


Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ đóng cửa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới một số nghĩa trang.


Trong đó, xây dựng mới nhà tang lễ quốc gia. Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang, sử dụng hình thức táng một lần. Đồng thời, sẽ xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, sử dụng hình thức táng tổng hợp. Hai nghĩa trang này phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.


Sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Đồng thời, mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì, sử dụng hình thức táng tổng hợp.


Mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng. Quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang, sử dụng hình thức cát táng.


Bên cạnh đó, sẽ xây dựng mới các nghĩa trang: Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (huyện Đông Anh); Trung Màu (huyện Gia Lâm); Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)…


Triển khai thi hành Luật Phòng cháy và Chữa cháy


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy.


Kế  hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy (Luật PCCC), bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.


Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC nhằm ngăn ngừa các vụ cháy, nổ, bảo đảm an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững; kiện toàn tổ chức, biên chế của lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) để triển khai thi hành có hiệu quả pháp luật về PCCC và CNCH trong phạm vi cả nước.

 


Thủ tướng Chính  phủ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ năm 2014.


Theo đó, kế hoạch vay trong nước của Chính phủ năm 2014 là 367.000 tỷ. Kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD. Kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 208.883 tỷ đồng.


Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng


Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.


Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là tổ chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có nhiệm vụ quản lý, tổ chức và thực hiện việc thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia trong lĩnh vực được phân công; quản lý, tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chứng nhận chuẩn công tác, chất chuẩn; chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường.


Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có 24 đơn vị trực thuộc


Xuất cấp trang thiết bị y tế cho 4 bệnh viện


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) 22 máy thở chức năng cao, 8 máy thở chức năng trung bình thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh sởi, cúm và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.


Chuyển giao Khu Công nghiệp Lai Vu về tỉnh Hải Dương quản lý


Thủ tướng Chính phủ đồng ý bàn giao nguyên trạng toàn bộ Khu công nghiệp Lai Vu (bao gồm cả Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu) từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tỉnh Hải Dương quản lý.


Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT


Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 142/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).


Thủ tướng Chính phủ kết luận chỉ đạo tái cơ cấu VNPT theo hướng: Điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.


Điều chuyển nguyên trạng các bệnh viện, bệnh viện điều dưỡng, các trường trung học bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đang thuộc VNPT như đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về các địa phương quản lý.


Không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 62 công ty cổ phần nêu trong Đề án và hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 ra khỏi VNPT. Thực hiện sắp xếp Công ty Tài chính Bưu điện theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.


Thúc đẩy cổ phần hóa, giảm, thoái vốn nhà nước tại DN


Tại Thông báo số 146/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các phương án sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong đó, tập trung bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, giảm, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.


Nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai công tác xử lý chất thải rắn có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020.


Theo chinhphu.vn